Cải tiến về cơ chế làm việc

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng chương trình phát thanh Giáo dục và đào tạo trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (2005-2006 (Trang 81 - 84)

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƢỢNG CHƢƠNG TRÌNH

3.2.4. Cải tiến về cơ chế làm việc

Làm báo phát thanh, như chúng ta vẫn thường nói, không phải là báo ngày, báo tuần... mà là báo giờ, báo phút... do đó đòi hỏi những người làm phát thanh phải thực sự năng động, nhanh nhạy. Để làm được điều này, Đài Tiếng nói Việt Nam cần phải tạo được cho mình một cơ chế làm việc thật sự đổi mới, thông thoáng (điều này áp dụng chung cho tất cả các chương trình phát thanh chứ không riêng gì chương trình phát thanh Giáo dục và đào tạo). Vì thực tế hiện nay cho thấy, do cơ chế làm việc của Đài còn nhiều bất cập nên các phóng viên, biên tập viên chưa thực sự phát huy được hết năng lực của mình, nên hiệu quả thông tin nhiều khi chưa cao, chưa cập nhật...

Đơn cử như việc thực hiện các thủ tục cho phóng viên khi đi công tác thường rất rườm rà, mất thời gian; thậm chí phóng viên nhiều khi phải tự bỏ tiền túi của mình để hoàn thành công việc cho nhanh... Mỗi lần đi công tác, ngoài việc liên hệ với cơ sở, phóng viên phải tự mình viết giấy giới thiệu, giấy đi đường... rồi đưa lãnh đạo (cấp Ban) ký, sau đó sang văn thư đóng dấu, khi đi về cũng phải làm từng đấy thủ tục mới được thanh toán (trong khi tiền công tác phí chỉ có 30.000đồng/ngày). Chính vì vậy mà nhiều khi vì quá mất thời gian, phóng viên chỉ báo cáo với lãnh đạo kế hoạch công tác chứ không làm các thủ tục để thanh toán khoản tiền ít ỏi này. Trong trường hợp cơ sở không bố trí chỗ ngủ, thì phóng viên có thể thuê khách sạn nhưng để thanh toán được khoản tiền này cũng không phải là đơn giản. Phải có đầy đủ các chứng từ hợp lệ, rồi xin chữ ký cấp Ban, cấp Đài (Văn phòng Đài), sau đó mới sang Tài vụ để họ xem xét, tính toán xem duyệt chi như thế nào

cho đúng quy định (không phải cứ chi bao nhiêu thì sẽ được thanh toán bấy nhiêu). Với phóng viên thì việc này khó khăn, mất thời gian hơn cả làm chương trình...

Nhưng khổ nhất vẫn là những chuyến đi công tác xa. Theo quy định thì phóng viên chỉ được phép đi bằng phương tiện tàu hoả, không được đi bằng máy bay. Mà tàu hoả cũng chỉ được mua vé dưới hình thức chuyển khoản chứ không được chi bằng tiền mặt. Vì vậy mà một phóng viên ví dụ muốn đi công tác tại thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, sẽ phải làm các thủ tục như sau: xin ý kiến Phòng, Ban, nếu được đồng ý thì tiến hành làm giấy đề nghị chuyển khoản (tất nhiên phải bao gồm đầy đủ các chữ ký cần thiết theo đúng quy định tài chính), sau đó chuyển sang Tài vụ. Tài vụ sẽ làm thủ tục chuyển khoản (cắt séc)- riêng công đoạn này mất ít nhất là 3, 4 ngày. Có séc rồi, lúc đó phóng viên mới cầm séc ra ga mua vé, mà phải mua đúng loại vé (tương ứng với số tiền đã ghi trong séc). Trong trường hợp hết loại vé mà phóng viên được phép mua, thì phải chuyển sang mua loại khác, quy đổi séc ra tiền mặt rất mất thời gian (mất phí- do phóng viên tự trả)... Tóm lại, để có trong tay chiếc vé tàu đi thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên sẽ phải đi lại rất nhiều lần, trong thời gian dài (khoảng gần 1 tuần). Điều này lâu dần làm cho phóng viên nản, ngại đi công tác xa (nếu không có yêu cầu từ Ban biên tập). Và nhiều khi do tính chất cấp bách của công việc, phóng viên vẫn phải đi nhưng tự bỏ tiền túi (vì nếu chờ làm hết các thủ tục để có thể thanh toán được thì sẽ lỡ chuyến công tác, lỡ sự kiện)...

Chính vì vậy, theo đề xuất của tác giả, để tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp một cách dễ dàng và đạt hiệu quả cao, Lãnh đạo Đài cần xem xét lại các thủ tục rườm rà của công tác hành chính mà hiện nay Đài vẫn đang áp dụng. Trong những trường hợp cần thiết (công tác đột xuất, phục vụ tuyên truyền các sự kiện trọng đại như: các Hội nghị cấp cao của Quốc gia và Quốc tế, Festival...) nên tạo điều kiện cho phóng viên được đi

lại bằng máy bay. Ngoài ra cũng có thể giải quyết linh động cho phóng viên trong việc thanh toán công tác phí, chẳng hạn có thể chi trước rồi đem hoá đơn, chứng từ về thanh toán chẳng hạn, và tuỳ vào từng địa phương cụ thể mà áp dụng các mức chi khác nhau cho phù hợp, tránh trường hợp như hiện nay là phóng viên chi 10 phần thì thường chỉ được thanh toán 6, 7 phần... Và một đề xuất nữa là, nên chăng tất cả những công việc này (những công việc ngoài chuyên môn), nên để cho kế toán của từng đơn vị (mỗi Ban biên tập đều có từ 1 đến 2 kế toán riêng) đảm nhiệm. Như vậy sẽ hợp lý hơn và mang tính chuyên môn hoá cao hơn. (Chứ như hiện nay, kế toán của Ban chỉ có mỗi một nhiệm vụ là hàng tháng lĩnh lương tại Phòng Tài vụ về phát cho phóng viên, rồi tổng kết tin, bài trong tháng để tính nhuận bút...). Mặt khác, có thể có chế độ khoán kinh phí công tác phí cho từng chương trình, đơn giản hoá các thủ tục tài chính...

Một thực tế nữa là, hiện nay, do tình trạng thiếu thốn về nhân lực và chưa có sự chuyên môn hoá, nên phóng viên, biên tập viên- ngoài nhiệm vụ tuyên truyền- còn phải đảm đương nhiều công việc khác, gây mất thời gian và làm giảm sự tập trung cho công việc chuyên môn. (Điều này là không phù hợp với phát thanh hiện đại)... Chẳng hạn, mỗi tháng, các phóng viên lại phải tự thống kê tin, bài mà mình đã viết trong tháng (mà đối với Phát thanh thì số lượng này là không hề nhỏ- thường là vài chục tin, bài/người/tháng). Sau đó tự áp vào bảng giá chung (đã được quy định từ trước) để tính nhuận bút cho mình, rồi nộp lại cho kế toán Ban. Kế toán Ban sẽ căn cứ vào đó (có kiểm tra lại) để lập bảng tổng hợp nộp sang Tài vụ... Nói như thế để thấy rằng ngoài công việc chuyên môn, hàng tháng các phóng viên đều phải làm rất nhiều công việc mang tính thủ tục hành chính, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức (vì không thuộc lĩnh vực mình am hiểu nên tất nhiên sẽ không thể hoàn thành một cách nhanh chóng và tránh sai sót được). Vậy tại sao không để kế toán viên làm luôn những công việc đó (vì trên thực tế, sau khi

phóng viên tính toán xong, kế toán viên cũng đều phải tiến hành kiểm tra lại một cách kỹ càng). Nếu giao cho kế toán viên, tin chắc rằng những người này sẽ không khó khăn gì để hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn (có khi chỉ 1, 2 ngày là tính xong cho cả Ban- với số lượng 50, 60 người). Theo tôi như vậy sẽ hợp lý hơn, chứ cứ để như hiện nay, phóng viên rất mất thời gian, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chuyên môn... (Với cơ chế và thủ tục như hiện nay, các phóng viên phải tốn mất không dưới 35% thời gian cho các công việc hành chính).

Ngoài ra, như trên đã nói, Đài cũng cần có cơ chế và cách thức huy động rộng rãi hơn những người làm giáo dục đào tạo cùng tham gia viết bài, trao đổi trên sóng, tăng cường tiếng nói của học sinh, sinh viên trong chương trình... Có thể là thường xuyên đặt bài những đối tượng này (chế độ nhuận bút phải luôn được đảm bảo, thể hiện sự ưu đãi... chứ như hiện nay- đa phần ở mức dưới 200.000đồng/bài là quá thấp so với nhiều cơ quan báo chí khác). Cũng có thể dành một Quỹ nhuận bút cộng tác viên chẳng hạn, với một khoản tiền cố định hàng tháng cho mỗi người, để sao cho khi cần bài viết về khía cạnh nào sẽ có ngay người am hiểu về khía cạnh đó cung cấp tin, bài... Theo tôi, đó cũng là một trong những cách rất tốt để kéo thính giả tới gần hơn chương trình của mình.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng chương trình phát thanh Giáo dục và đào tạo trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (2005-2006 (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)