* Ưu điểm- Nguyên nhân ưu điểm:
Với ưu thế của phát thanh (sử dụng lời nói, tiếng động, âm nhạc...), chương trình đã cố gắng chuyển tải nội dung thông tin tới người nghe bằng nhiều thể loại khác nhau như: tin, phóng sự, phản ánh, ghi chép, phỏng vấn, bình luận, câu chuyện, mẩu chuyện, toạ đàm... (Trước kia, đa phần chỉ tập trung vào một số thể loại như: phản ánh, ghi chép, câu chuyện...).
Để tăng cường tính diễn đàn của chương trình, bắt đầu từ tháng 5 năm 2001, chương trình phát thanh Giáo dục và đào tạo đã mở chuyên mục mới- phát sóng vào chủ nhật hàng tuần, lấy tên là: Chuyên mục Gặp gỡ và trao đổi. Dưới hình thức toạ đàm với các vị khách mời, mỗi chương trình (thậm chí một chuỗi các chương trình liên tiếp) có điều kiện để tập trung vào một chủ đề, một vấn đề giáo dục đang được ngành giáo dục, người dân và cả xã hội quan tâm.
Tiếp tục đà đổi mới, cải tiến hình thức thể hiện chương trình, bắt đầu từ tháng 11 năm 2003, chương trình phát thanh Giáo dục và đào tạo lại mở thêm một tiết mục mới- phát sóng vào thứ 6 hàng tuần, lấy tên là: Chuyện cuối tuần- với cách viết, cách thể hiện linh hoạt (có thể dưới các hình thức: thông tin, tiểu phẩm, đối thoại...). Tiết mục này đề cập những vấn đề
“nóng” hoặc những “chuyện lạ”, những tình huống giáo dục đặc biệt đang được dư luận trong và ngoài ngành giáo dục quan tâm, nhằm lôi cuốn người nghe.
Thông thường, cứ sau mỗi chương trình, mỗi bài viết đều có phần tổng kết, tóm lược, nêu bật bài học kinh nghiệm... Chính thủ pháp này đã hạn chế tối đa nhược điểm (nhất là đối với phát thanh) đó là cách viết dài dòng, đơn điệu... cũng như đặc tính “bất chợt” và “thoảng qua” của phát thanh...
Nếu như những năm trước đây, dung lượng mỗi bài viết thường dài (2 trang đánh máy, thậm chí có bài tới 3 trang); và có những bài mặc dù do phóng viên chương trình viết nhưng cũng không có tiếng động (bài “chay”), rồi có những chương trình sử dụng 100% bài của cộng tác viên (không tiếng động)... thì nay, tình trạng này đã được khắc phục một cách tối đa. Các bài viết thường ngắn gọn, súc tích, ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi với người dân... (nhờ vậy mà lượng thông tin chuyển tải tới người nghe qua mỗi chương trình được tăng lên đáng kể- thường từ 3 đến 4 bài trong một chương trình với thời lượng 15 phút). 100% các chương trình đều có tiếng động (tất nhiên về mức độ sử dụng tiếng động trong mỗi chương trình là không giống nhau). Và mặc dù vẫn sử dụng bài cộng tác viên, bài khai thác... (có thể có tiếng động, có thể không) nhưng tỷ lệ thì đã giảm hẳn so với trước kia (thường chỉ là 1 bài cho một chương trình)...
Có thể nói, việc sử dụng tiếng động trong các chương trình phát thanh Giáo dục và đào tạo trong những năm gần đây đã được tăng lên đáng kể.
Điều này khiến cho chương trình thêm sinh động, hấp dẫn, tạo hứng khởi đối với người nghe, đồng thời cũng tạo cho thính giả cảm giác tin cậy trước những thông tin mà chương trình đưa.
Ngoài ra, chương trình cũng rất chú ý đến việc phân bổ thông tin theo
“cơ cấu vùng miền”, có nghĩa là thông tin được dàn trải trên khắp các địa phương, vùng miền của Tổ quốc (ưu tiên phát những tin, bài ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...); và tránh không tuyên truyền quá nhiều về một địa phương trong cùng một khoảng thời gian... Chính điều này đã khiến cho người nghe cảm thấy sức bao quát rộng lớn của chương trình, đồng thời kích thích ham muốn của thính giả- đó là được nghe, được biết thông tin ở cả những nơi, những vùng đất mà mình không biết hoặc chưa từng đặt chân đến... từ đó có những so sánh với thực tế giáo dục ở địa phương mình.
Ngoài ra, có một ưu điểm nổi bật nữa của chương trình so với những năm trước đây- đó chính là đã tạo được sự đổi mới trong hình thức thể hiện các tác phẩm báo chí trên sóng phát thanh (về cách đọc, người đọc...). Trước đây, tất cả các bài viết (dù là của phóng viên chương trình hay của cộng tác viên, bài khai thác...) đều do một đội ngũ những người đọc chuyên nghiệp (đội ngũ phát thanh viên) thể hiện. Hai người đọc (thường là 1 nam và 1 nữ) sẽ thay phiên nhau đọc, người này giới thiệu cho người kia đọc bài và ngược lại. Tuy nhiên hiện nay, với xu thế đổi mới của phát thanh hiện đại, thì cùng với phát thanh viên, các phóng viên, biên tập viên sẽ trực tiếp trình bày tác phẩm của mình trên sóng. Như vậy cũng có nghĩa là có rất nhiều các giọng đọc khác nhau cùng xuất hiện trên sóng. Điều này mang đến cho chương trình một màu sắc mới, phong phú hơn, sinh động hơn, tránh cho người nghe cảm giác đơn điệu, buồn tẻ... Vì trên thực tế, khi nói trên sóng, người phóng viên, biên tập viên chương trình có thể truyền đạt được một cách sinh động hơi thở của cuộc sống đến với thính giả. Chính vì vậy mà người nghe luôn cảm thấy độ tin cậy của tác phẩm cao hơn, mang tính thuyết phục
hơn... (Vì người trình bày chính là người đã trực tiếp tham gia chứng kiến và thẩm định sự kiện)...
Có thể nói, với những cải tiến mạnh mẽ như vậy (cả về nội dung và hình thức), chương trình đã và đang ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn nghe đài trong cả nước...
* Hạn chế- Nguyên nhân hạn chế:
Một trong những hạn chế về mặt hình thức của chương trình đó chính là sự mất cân đối về thể loại. Hiện nay chương trình thường chỉ sử dụng hai thể loại mũi nhọn (đó là bài phản ánh và phỏng vấn, phát biểu). Nhiều thể loại mang tính chiến đấu, hấp dẫn người nghe như: điều tra, bình luận, xã luận... thì lại chưa được chú ý khai thác (thường là rất hiếm khi được sử dụng trên chương trình). Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này- mà nguyên nhân quan trọng nhất phải kể đến- đó chính là yếu tố con người. Tình trạng khan hiếm nhân lực và luân chuyển nhân lực thường xuyên như đã nói ở trên khiến cho chương trình không có được những phóng viên, biên tập viên dày dạn kinh nghiệm, do đó ít có những bài bình luận, xã luận... sắc sảo, thu hút người nghe (vì đa phần là phóng viên trẻ, sự đầu tư, tích luỹ về mặt chuyên môn nghiệp vụ chưa nhiều...). Và cũng vì khan hiếm nhân lực như vậy nên việc thực hiện các bài phóng sự điều tra cũng là điều không hề dễ dàng đối với phóng viên. Đây là sự thiếu hụt rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức hấp dẫn của chương trình mà những người làm chương trình cần phải chú ý khắc phục trong thời gian tới...
Như đã trình bày ở trên, mặc dù trong những năm gần đây, chương trình đã rất cố gắng chú ý tới yếu tố vùng, miền, nhưng cũng do nhân lực hạn chế nên không phải lúc nào điều này cũng thực hiện được. Hơn nữa, do cách làm “lương khô” như đã nói, nên thường là sau mỗi chuyến đi công tác của phóng viên tới một địa phương nào đó, là sau đấy địa phương đó thường
được xuất hiện rất nhiều trên sóng (tất nhiên không quá dồn dập nhưng cứ lâu lâu lại thấy có một bài viết về cùng một địa phương đó- ở một khía cạnh khác).
Trên thực tế, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có các cơ quan thường trú đại diện ở các miền, các khu vực khác nhau (trong và ngoài nước), tuy nhiên, sự phối hợp giữa các chương trình phát thanh (nhất là với những chương trình phát thanh mang tính chuyên đề như chương trình Giáo dục và đào tạo) thì thường là thiếu đồng bộ, chặt chẽ (chưa có quy chế cụ thể, rõ ràng). Hầu hết các cơ quan thường trú chỉ phục vụ tin, bài cho Ban biên tập Thời sự, còn các chương trình phát thanh khác (thuộc các Ban biên tập khác) thì rất hạn chế, trừ khi Lãnh đạo Đài có sự phân công, chỉ đạo tuyên truyền cụ thể (khi có sự kiện trọng đại nào đó đang diễn ra tại khu vực đó), hoặc khi chương trình tự đặt bài cho các phóng viên ở cơ quan thường trú (với chế độ trả nhuận bút riêng biệt dưới hình thức cộng tác viên đặc biệt của chương trình)... Mặt khác, đa số các phóng viên thường trú thường có mối quan hệ chặt chẽ, thân thiết với các quan chức năng và các ngành ở địa phương, khu vực mình quản lý thông tin, nên cũng ít dám đụng chạm đến những vấn đề “nóng”, những vấn đề được xem là “gai góc” ở ngay tại địa phương đó...
Có thể nói, mặc dù Đài có nhiều cơ quan thường trú, nhưng không phải lúc nào chương trình cũng đưa được tiếng nói của những địa phương đó (nơi cơ quan thường trú đặt trụ sở) lên mặt sóng. Đây chính là một trong những yếu tố khiến cho sự phân bổ sóng giữa các địa phương chưa thực sự đồng đều, hợp lý (thường là khu vực đồng bằng, các tỉnh phía Bắc... thì tần số tuyên truyền cao hơn khu vực miền núi, các tỉnh phía Nam...).
Một hạn chế nữa của chương trình đó là: chương trình thiếu tính trực tiếp. Tất nhiên, điều này cũng là do quy định chung của Lãnh đạo Đài (những chương trình như thế nào, phản ánh sự kiện với mức độ quan trọng
như thế nào... mới được làm trực tiếp- vì điều này liên quan đến nhiều yếu tố: kỹ thuật, nhân lực, tài chính...). Tuy nhiên, với người nghe thì đây thực sự là một thiệt thòi (nhất là trong những đợt tuyên truyên truyền cao điểm như: thi cử, tuyển sinh, khai giảng năm học mới...). Điều này khiến cho chương trình không có được sự sống động, lôi cuốn người nghe, tạo cho người nghe cảm giác như họ đang tham gia trực tiếp vào chương trình...
Trong phát thanh thì âm nhạc (cùng với lời nói, tiếng động...) được xem là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên thành công của mỗi một tác phẩm, một chương trình phát thanh. Tuy nhiên, ở chương trình phát thanh Giáo dục và đào tạo thì thực tế việc sử dụng âm nhạc thời gian qua vẫn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Cũng do những hạn chế về mặt nhân lực, thời gian… nên mặc dù các phóng viên, biên tập viên chương trình đều nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc sử dụng âm nhạc trong phát thanh, song thực tế hiện nay, âm nhạc vẫn chỉ được xem như là phần thêm vào, thậm chí có cũng được, không có cũng không sao… Hiện nay, chương trình không có nhạc cắt riêng (các chương trình đều sử dụng chung một số nhạc cắt cố định trong kho băng). Do đó có tình trạng, cũng vẫn nhạc cắt đó, người nghe có thể nghe thấy ở rất nhiều chương trình khác nhau, thậm chí những chương trình có nội dung trái ngược nhau. Điều này làm mất đi bản sắc riêng của từng chương trình, khiến người nghe cảm thấy nhàm chán… Bên cạnh đó, việc sử dụng bài hát, nhạc nền trong chương trình cũng chưa được chú trọng. Đôi khi, chỉ cần một đoạn nhạc ngắn sau một bài phóng sự chẳng hạn… cũng sẽ khiến cho nội dung của bài viết đó hay hơn rất nhiều (dù âm nhạc chỉ mang tính chất minh hoạ).
Rồi tiếng động hiện trường cũng hầu như không được sử dụng trong chương trình (dù trên thực tế, hiệu quả mang lại thường rất cao). Ví dụ, khi phân tích tính tích cực của các hoạt động ngoại khoá do nhà trường tổ chức,
bài viết của phóng viên sẽ hay hơn rất nhiều nếu đưa một đoạn tiếng động nền (có thể là những tiếng cười nói lao xao của các em học sinh khi đang tham gia hoạt động ngoại khoá…) để làm nền cho bài viết, giúp người nghe cảm nhận được rõ sự thích thú của học sinh đối với hoạt động này… Hay khi viết về một tấm gương thương binh- người đã có nhiều chục năm làm nhiệm vụ đánh trống trường ở một trường học chẳng hạn, thì nếu như trong chương trình (có thể ở đầu, giữa hoặc cuối bài viết) vang lên một tiếng trống trường (do chính tay người thương binh này đánh) thì hiệu qủa mang lại sẽ vô cùng lớn. Những âm thanh đó tác động trực tiếp đến người nghe, khiến người nghe cảm thấy gần gũi hơn với nhân vật, như đang được trực tiếp tham gia trò chuyện, tiếp xúc cùng nhân vật…
Tuy nhiên, những kiểu xử lý âm thanh như thế này lại rất hiếm khi được những người làm chương trình quan tâm đầu tư đúng mức. Thời gian gấp gáp tạo cho phóng viên một tâm lý chung là ngại việc (nhất là những công việc đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức nhưng lại không đem lại hiệu quả về mặt thu nhập). Đa số các phóng viên chỉ nghĩ cách làm sao để bài viết của mình thật hay, còn việc trình bày trên sóng ra sao thì không mấy quan trọng…
Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến hạn chế về mặt hình thức của chương trình, khiến cho chương trình tuy rất bổ ích, thiết thực… song vẫn chưa thực sự đem lại sự khác biệt, tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với người nghe…