Biện pháp bảo hộ lao động

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm môi trường lao động, sức khỏe bệnh nghề nghiệp và kết quả một số biện pháp can thiệp tại nhà máy đóng tàu Hạ Long (Trang 32 - 33)

Biện pháp BHLĐ là áp dụng các biện pháp để hạn chế, loại trừ các yếu tố nguy hiểm có hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người khi lao động, công tác trong những điều kiện làm việc cụ thể [22], [39], [45]. Các biện pháp BHLĐ thường được chia làm hai nhóm:

- Các biện pháp BHLĐ chung: còn gọi là biện pháp bảo vệ tập thể đảm bảo AT- VSLĐ chung cho mọi người cùng làm việc trong một môi trường.

- Các biện pháp bảo vệ cá nhân: sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, tuỳ thuộc vào đặc thù công việc và thời điểm lao động.

* Biện pháp an toàn- vệ sinh lao động chung:

Các biện pháp AT- VSLĐ nên được thiết kế ngay từ khâu xây dựng, lắp đặt quy trình công nghệ. Tùy theo đặc điểm công nghệ mà sử dụng các biện pháp AT- VSLĐ chung để giảm thiểu hoặc phối hợp nhiều biện pháp để đạt hiệu quả tối ưu. Ví dụ, bao bọc kín bụi ngay tại nguồn phát sinh để bụi không có khả năng phát tán ra môi trường xung quanh. Cabin điều khiển giúp công nhân hạn chế phơi nhiễm tiếng ồn, bụi, hơi khí độc hay các giải pháp thông gió điều nhiệt.

* Biện pháp bảo hộ lao động cá nhân:

Trong thực tế, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng vẫn khó có thể loại trừ tất cả các yếu tố nguy hại, người lao động vẫn phải làm việc và chịu phơi nhiễm với các yếu tố bất lợi. Trong trường hợp đó để bảo vệ sức khoẻ cho người lao động, phải sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân, phù hợp với từng công việc và vị trí lao động cụ thể [39], [68], [85], [116], [123], [140].

Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu mà người lao động sử dụng trong khi lao động và công tác để

tránh bị các tác động xấu của các yếu tố nguy hiểm, có hại phát sinh trong MTLĐ [8].

Tùy theo đặc thù công việc của mỗi ngành nghề, phương tiện bảo vệ cá nhân cho từng bộ phận của cơ thể có nhiều chủng loại khác nhau, với những tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ, phù hợp với tính chất công việc.

Nếu phương tiện bảo vệ cá nhân không đảm bảo chất lượng còn có thể gây bệnh, gây tử vong cho người lao động. Chẳng hạn, công nhân làm việc trong môi trường có nhiều bụi nhưng dùng khăn mặt bông hoặc nhiều lớp vải màn làm khẩu trang thì thực tế hoàn toàn không ngăn cản được bụi hô hấp vào sâu trong đường hô hấp dưới, hoặc công nhân lao động trong môi trường có các hơi khí độc nhưng dùng khẩu trang không đúng chủng loại (như khẩu trang chống bụi chẳng hạn) thì không có tác dụng bảo vệ.

Đến nay, các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Mỹ vẫn rất coi trọng việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Một nghiên cứu khảo sát ở Mỹ (2001) về tình hình sử dụng khẩu trang đã kết luận: có nguy cơ đa số chủ lao động không tuân thủ khuyến cáo về việc trang bị khẩu trang/mặt nạ phù hợp với điều kiện làm việc, điều đó có thể làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của người lao động [49].

Đối với lao động trong ngành đóng tàu, đặc biệt tại các doanh nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy vừa và nhỏ ở Việt Nam, đây là giải pháp không thể thiếu được trong hầu hết các công đoạn sản xuất [22], [130], [134].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm môi trường lao động, sức khỏe bệnh nghề nghiệp và kết quả một số biện pháp can thiệp tại nhà máy đóng tàu Hạ Long (Trang 32 - 33)