3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
1.4.4 Đặc điểm lao động khu vực kinh tế tư nhân
Khu vực KTTN đã thu hút 95% lao động xã hội. Tuy nhiên, lực lượng lao động này chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp thuộc các hộ kinh doanh cá thể với lao động thủ công. Do đó, chất lượng lao động chưa được cải thiện, năng suất lao động thấp và chưa góp phần tích cực vào việc giải quyết thất nghiệp ở thành thị và nông thôn.[27]
Vẫn còn nhiều định kiến, tâm lý về so sánh vị trí giữa người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước với người lao động trong khu vực KTTN. Do đó, đại bộ phận lao động khu vực KTTN mặc cảm với chính mình. Không chỉ trong thời kỳ bao cấp mà ngay cả trong thời kỳ chuyển sang cơ chế thị trường, người dân chỉ muốn con em mình được vào các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, và họ vẫn còn quan niệm vào được biên chế nhà nước mới được gọi là có việc làm. Tâm lý đó cũng tác động vào lớp trẻ, có trình độ, không muốn vào làm việc khu vực KTTN mặc dù thu nhập và các chế độ khác không hề kém khu vực nhà nước.
Vì vậy, người lao động mang tâm lý làm việc tạm thời, bất đắc dĩ, thường có mặc cảm khi làm việc tại khu vực này. Ngoài ra những đơn vị KTTN có tính bền vững thấp, hay gặp rủi ro trong kinh doanh, cơ chế quản lý, tiền lương chưa thực sự tạo được sự gắn bó giữa người sử dụng lao động và người lao động nên số lao động có trình độ chuyên môn luôn tìm cơ hội di chuyển sang làm việc ở khu vực nhà nước hoặc những khu vực vốn đầu tư nước ngoài có thu nhập cao. Do đó lao động khu vực KTTN thường xuyên biến động, tập trung chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, chưa có tay nghề. Nhìn chung hầu hết số lao động này chưa được đào tạo cơ bản về
nghề nghiệp: 75% lao động trong các doanh nghiệp tư nhân chưa tốt nghiệp phổ thông; trong toàn bộ khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ có 18% lao động có trình độ đại học [27]. Đây là một khó khăn cho công tác quản lý thu BHXH đối với khu vực này, những lao động có trình độ thấp này gặp nhiều khó khăn trong khi tìm việc làm đã tạo ra tâm lý sẵn sàng chấp nhận việc làm với mức tiền công thấp và bị chủ sử dụng lao động lợi dụng để trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Luật BHXH.
Trong lực lượng lao động, đáng quan tâm hơn cả là lao động quản lý, trước hết là chủ doanh nghiệp. Theo số liệu điều tra cho thấy có tới 50% chủ doanh nghiệp không thuộc thành phần kinh tế nhà nước không có bằng cấp chuyên môn; trong số đã qua đào tạo cơ bản về quản lý chỉ có 31% có bằng từ cao đẳng trở lên. Song số được đào tạo cơ bản này hầu hết đã ở tuổi ngoài 40, đặc biệt là số công chức đã nghỉ hưu; số đông chủ doanh nghiệp xuất thân từ hộ kinh doanh cá thể chưa được đào tạo cơ bản [32].
Trình độ và kỹ năng quản lý còn yếu, không thu hút được tay nghề cao, chưa quan tâm đào tạo cơ bản đội ngũ lao động tay nghề cao. Bản thân các chủ doanh nghiệp do mới ra khỏi thời kỳ bao cấp, nên còn chịu nhiều ảnh hưởng của sự trông chờ, mong đợi sự giúp đỡ che chở của Nhà nước. Một số hoạt động của một bộ phận KTTN còn mang tính “chụp giật” không ổn định lâu dài, chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức tự giác tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động của các doanh nghiệp khu vực KTTN.