Lí do về mặt chính trị

Một phần của tài liệu Trung quốc xâm nhập thị trường châu phi và bài học cho việt nam.doc (Trang 42 - 44)

I. Những lí do để Trung Quốc xâm nhập thị trường châu Phi

3.Lí do về mặt chính trị

Ngoài các quan hệ kinh tế và thương mại, chiến lược về Châu Phi của Trung Quốc còn nhắm đến những mục tiêu phi kinh tế để tồn tại lâu dài tại châu lục này. Hơn 40 năm qua, từ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cho đến Đặng Tiểu Bình đều coi việc cố gắng phát triển quan hệ với các nước Châu Phi (thuộc thế giới thứ 3) là điểm cơ bản trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Vì vậy với sự phát triển thương mại và kinh tế, thì việc cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Châu Phi đã mang một ý nghĩa chính trị lớn hơn ý nghĩa kinh tế nhiều lần. Mối quan hệ hợp tác ngày càng khắng khít với các nước Châu Phi có thể giúp Trung Quốc tăng cường quy mô ảnh hưởng và tạo điều kiện cho những nỗ lực của Trung Quốc trong việc xác định lại quan hệ kinh tế, chính trị với “phần còn lại của thế giới”. Điều này hẳn nhiên sẽ gây một thay đổi quan trọng trong địa vị thống trị lấn át xưa nay của Phương Tây đối với Châu Phi, giảm bớt sức ảnh hưởng kinh tế, chính trị của các nước Phương Tây tại châu lục, và do đó tạo một trở ngại lớn cho sức lấn át của Phương Tây trong kinh tế, chính trị, các cuộc đối thoại phát triển với Châu Phi nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Quan hệ của Trung Quốc với các nước Châu Phi đã hỗ trợ rất lớn cho nước này trên mặt trận ngoại giao thế giới vì các nước Châu Phi thường bỏ phiếu như là một khối trong các cơ quan quốc tế. Các nước Châu Phi đã ủng hộ Trung Quốc rất mạnh mẽ trong việc chống lại các nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc của một số nước phương Tây tố cáo Trung Quốc về vấn đề vi phạm nhân quyền. Các nước Châu Phi cũng đã giúp Trung Quốc đánh bại hết tất cả mọi yêu cầu của Đài Loan gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới và các tổ chức quốc tế khác. Ngoài ra, các nước Châu Phi đã giúp Trung Quốc thắng cuộc đấu thầu đăng cai Thế Vận Hội năm 2008 và Hội Chợ Thế Giới (World Expo) năm 2010.

Một lí do chính trị quan trọng khác là quan hệ Trung Quốc-Châu Phi phát triển thì không gian chính trị truyền thống của Đài Loan tại châu lục này cũng bị thu hẹp. Đây là một thắng lợi trong chính sách phong tỏa Đài Loan bằng ngoại giao của Trung Quốc. Mấy năm qua, theo đà lớn mạnh của Trung Quốc, Châu Phi đã trở thành khu

vực tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Nếu Mỹ giành được ảnh hưởng từ người Pháp, thì Trung Quốc đang từng bước đẩy lùi Đài Loan ra khỏi châu lục này. Chính ngoại trưởng Đài Loan Hồ Chí Cường ngày 2/5/1998 đã thừa nhận tình trạng đó: “hiện nay trong hơn 27 nước xóa quan hệ ngoại giao với Đài Loan thì đã có 2 đến 3 nước bật đèn đỏ và 2 đến 3 nước bật đèn vàng trong quan hệ với Đài Loan”. Việc Nam Phi cắt bỏ quan hệ với Đài Loan để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (ngày 1/1/1998) được ghi nhận là một thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc. Nó đánh dấu thất bại đối ngoại của Đài Loan, chấm dứt 21 năm quan hệ giữa đất nước lớn nhất, có vị trí trọng yếu và giàu tài nguyên nhất Châu Phi với Đài Loan. Đây cũng là kết quả tất yếu của lập trường chống chủ nghĩa A-pac-thai của Trung Quốc đã được tổng thống Nam Phi Nelson Mandela ghi nhận. Vì vậy, việc Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và đoạn tuyệt quan hệ với Đài Loan là điều rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược ngoại giao “tiến xuống Tây- Nam”. Mối quan hệ Trung Quốc-Nam Phi chắc chắn sẽ gây nên hiệu ứng mới trong toàn Châu Phi. Bước phát triển mới này không những thách thức địa vị của Mỹ ở Châu Phi, gây tác động mạnh đến tình hình hai bờ eo biển Đài Loan, mà sẽ tạo thuận lợi cho Trung Quốc tiến hành chính sách đa cực hóa trong quan hệ quốc tế. Nó không những mở ra cho Trung Quốc một thị phần rộng lớn ở Châu Phi để cạnh tranh với Mỹ và các nước lớn khác mà về lâu dài sẽ thúc giục các nước Châu Phi, đặc biệt là 8 nước còn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan phải tính toán lại lợi ích chiến lược của họ.

Như vậy, ngoài mục đích khai phá thị trường mới, chiều hướng phát triển trên cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục chính sách bao vây phong tỏa ngoại giao với Đài Loan, đồng thời đẩy mạnh chính sách tập hợp lực lượng mới. Với quan niệm đó, Trung Quốc đã coi Châu Phi là một mắt xích quan trọng trong “vành đai sinh trưởng” (ASEAN –Nam á – Trung Đông – Châu Phi -Mỹ latinh) của thế giới đa cực để điều hòa mối quan hệ với các nước lớn trong tương lai.

Một phần của tài liệu Trung quốc xâm nhập thị trường châu phi và bài học cho việt nam.doc (Trang 42 - 44)