II. Một số bài học cho Việt Nam về giải pháp phát triển quan hệ
2. Bài học về giải pháp phát triển quan hệ thương mại Việt Nam Châu
2.1.5. Đa dạng hoá thị trường Châu Phi
Châu Phi là một thị trường khu vực rất lớn, có thể được coi là “còn bỏ ngỏ” đối với Việt Nam. Với trên 906 triệu dân thuộc 54 quốc gia và sẽ đạt tới 1 tỷ dân năm 2010, thị trường mới lạ này đòi hỏi nước ta phải có những bước chuẩn bị thận trọng, cần tập trung vào một số quốc gia trọng điểm để từ đó tiếp tục xây dựng quan hệ, tạo những điểm tựa và làm bàn đạp để phát triển sang các quốc gia lân cận.Theo quan điểm đó, năm 2004 – năm đầu tiên của “chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Châu Phi giai đoạn 2004 – 2010”, kế hoạch xúc tiến thương mại đã xác định và ưu tiên cho một số thị trường tiềm năng, có vai trò quan trọng đối với Việt Nam, như: Nam Phi, Ai Cập, Angiêri, Nigiêria và Tanzania... Trước hết, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua Ai Cập, Lybi... để tiếp cận khu vực Bắc Phi và các khu vực khác; tiếp đến, từ Cộng hoà Nam Phi, các doanh nghiệp có thể thâm nhập vào các quốc gia khu vực Trung Phi và khu vực miền Nam Châu Phi. Trong chiến lược phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006 -2010, Việt Nam sẽ tập trung cho các thị trường Tuynizi, Ghana, Ghinê, Libêria, Mali, Ănggôla, Ma rốc, Bờ Biển Ngà... Với tầm quan trọng và vị trí chiến lược trong từng khu vực Bắc Phi, Tây Phi, Đông Phi và Nam Phi, các thị trường trọng điểm này cần được xem là đối tượng được hưởng những ưu đãi thuế quan. Bởi thông qua chúng, hàng hoá Việt Nam có thể tiếp cận nội bộ từng tiểu khu vực và tận dụng mối quan hệ để mở rộng xuất khẩu sang các nước Mỹ và EU. Chúng ta cũng có thể xuất khẩu vào Ănggôla, Môzăm bích... những nước mới trải qua khủng hoảng, nội chiến, nhưng có khả năng cung cấp nhiều bông thô, gỗ nguyên liệu, hạt điều, sắt thép, nhôm và những nguyên, vật liệu khác cần thiết
cho một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu quan trọng của Việt nam. Tuy nhiên, với các thị trường này, Việt Nam nên tăng cường phương thức hàng đổi hàng để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Để đa dạng hoá thị trường, cần phải chú ý đến việc đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông giữa Việt Nam và Châu Phi nói chung hay các thị trường trọng điểm nói riêng. Hiện Việt Nam vẫn chưa có các tuyến giao thông đường biển và đường không trực tiếp đến các nước Châu Phi mà vẫn phải quá cảnh qua một nước thứ ba. Vì thế hàng hoá xuất nhập khẩu hai chiều luôn có chi phí lớn và thời gian vận chuyển kéo dài, khó đáp ứng kịp thời những nhu cầu, đặc biệt là những nhu cầu có tính thời vụ, hoặc khi cơ may đến bất chợt. Vấn đề này từ lâu đã được xác định là nan giải, gây bất lợi đối với hàng hoá Việt Nam vào Châu Phi, cản trở hoạt động thông thương giữa hai bên. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có giải pháp khắc phục khoảng cách chuyên chở từ Việt Nam sang các nước Châu Phi trong các Hiệp định vận tải hàng không, Hiệp định Hàng Hải.