sự theo yêu cầu của ngƣời bị hại
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 và sau đó, trên cơ sở kế thừa, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 tiếp tục quy định với những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đòi hỏi của thực tế. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người
bị hại được xem là trường hợp đặc biệt của khởi tố vụ án hình sự, cho nên nó sẽ có những đặc điểm chung của khởi tố vụ án hình sự. Đối với các vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, giai đoạn khởi tố vẫn được xác định là giai đoạn mở đầu của quá trình tố tụng. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu khởi tố của người bị hại. Nếu không có yêu cầu khởi tố của người bị hại thì Cơ quan điều tra không được ra quyết định khởi tố. Đây là điểm khác biệt so với giai đoạn khởi tố của các vụ án hình sự khác.
Vấn đề yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại được quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 với nội dung: "Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm
thần hoặc thể chất". Quy định này đã chỉ ra chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố
vụ án hình sự là người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp người bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Phạm vi khởi tố là các tội thuộc khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự, phần lớn là các tội ít nghiêm trọng, xâm phạm đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp của người bị hại và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án trên cơ sở sự kết hợp của hai yếu tố: có dấu hiệu tội phạm và có yêu cầu của người bị hại. Nếu không có dấu hiệu của tội phạm thì dù người bị hại có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền cũng không được ra quyết định khởi tố vụ án và ngược lại, nếu không có yêu cầu của người bị hại thì dù xác định có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan có thẩm quyền cũng không được ra quyết định khởi tố vụ án.
Nói cách khác, với vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, điều kiện cần là yêu cầu khởi tố của người bị hại và điều kiện đủ là có dấu hiệu tội phạm đã được xác định. Giai đoạn khởi tố trong những vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại không chỉ đảm bảo cho việc phát hiện nhanh chóng, kịp thời hành vi phạm tội, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tố tụng tiếp theo cũng như góp phần bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân mà còn cho thấy tầm quan trọng của người bị hại đối với việc giải quyết sự việc. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, chế định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại không được quy định thành một chương riêng và các quy định của chế định tập trung xung quanh hai vấn đề là yêu cầu khởi tố vụ án và rút yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại.
Hậu quả pháp lý của những vụ án mà Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại là vụ án sẽ được giải quyết theo thủ tục chung và người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại trình bày lời buộc tội tại phiên toà. Đây được coi là hậu quả pháp lý đặc trưng bởi nó chỉ phát sinh khi yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại được chấp nhận và cũng chỉ có một chủ thể duy nhất trong số những người tham gia tố tụng được trình bày lời buộc tội đó là người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Còn nếu vụ án không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của họ thì những chủ thể này sẽ không được trình bày lời buộc tội tại phiên toà.