pháp của họ. Trong trường hợp này, hành vi phạm tội không chỉ xâm hại đến lợi ích cá nhân người bị hại một cách nghiêm trọng mà còn gây nguy hại lớn cho xã hội. Việc khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này là cần thiết để giữ vững kỷ cương pháp luật.
2.1.2. Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố
a. Người bị hại
Về khái niệm người bị hại, pháp luật tố tụng hình sự của các nước không có sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ người bị hại. Chẳng hạn luật tố tụng hình sự của Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga hay Việt Nam dùng thuật ngữ "người bị hại", trong khi đó luật tố tụng hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì dùng thuật ngữ "người tố cáo". Ngoài ra người bị hại còn được gọi là "người bị thiệt hại", hay gọi là "nạn nhân", hay "dân sự nguyên cáo". Chúng tôi cho rằng sử dụng thuật ngữ "người bị hại" là phù hợp hơn cả vì nó thể hiện được bản chất, nội dung, các điều kiện và sự chặt chẽ của thuật ngữ. Vấn đề đặt ra là thế nào là người bị hại?
Người bị hại là một khái niệm quen thuộc trong khoa học pháp lý về tố tụng hình sự, dường như không cần phải luận bàn. Tuy nhiên thế nào là người bị hại, phạm vi người bị hại...thì cho đến nay vẫn chưa có sự nhận thức thống nhất, các ý kiến còn khác nhau.
- Dưới góc độ ngôn ngữ có thể hiểu người bị hại là con người cụ thể trong xã hội, chịu sự tác động tiêu cực của sự việc, hành vi hoặc bất kỳ sự tác động nào khác dẫn đến những thiệt thòi, mất mát hay tổn thương cho chính họ. Tất nhiên sự tác động đó là trái với ý muốn của người bị hại và họ tiếp nhận một cách thụ động. Thiệt hại gây ra cho người bị hại có thể là thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất và không cần phải giới hạn mức độ thiệt hại.
- Dưới góc độ ngôn ngữ pháp lý thì người bị hại là "người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại chỉ
có thể là thể nhân bị người phạm tội làm thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản chứ không thể là pháp nhân" [45, tr. 198].
- Dưới góc độ pháp luật thực định: khoản 1 Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định: "Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh
thần, tài sản do tội phạm gây ra". Pháp luật một số nước cũng có quy định
tương tự. Chẳng hạn, Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự Liên bang Nga quy định: "Người bị hại là người bị tội phạm gây thiệt hại về tinh thần, thể chất hoặc tài sản. Người tiến hành điều tra, dự thẩm viên, thẩm phán, tòa án ra
quyết định công nhận là người bị hại". Còn khoản 1 Điều 43 Bộ luật Tố tụng
hình sự của Tiệp Khắc trước đây quy định: "Người bị hại là người bị tội phạm
gây thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản, tinh thần hoặc những thiệt hại khác".
Bộ luật Tố tụng hình sự Rumani cũng có quy định tương tự. Điều đó cho thấy pháp luật các nước có sự thống nhất trong định nghĩa người bị hại: Người bị hại là con người cụ thể; thiệt hại gây ra đó là tinh thần, thể chất, tài sản hoặc những thiệt hại khác; những thiệt hại đó do tội phạm gây ra.
Để hiểu rõ hơn khái niệm người bị hại, cần phân biệt với một số khái niệm đồng nghĩa hoặc giáp ranh như: người bị hại với nạn nhân, người bị hại với đối tượng tác động của tội phạm. Theo chúng tôi đây là những khái niệm gần nhau nhưng không đồng nhất với nhau.
Thứ nhất: Nạn nhân có phải là người bị hại không? Trả lời câu hỏi này
có quan điểm cho rằng người bị hại chính là nạn nhân của tội phạm. Theo chúng tôi điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nội dung khái niệm người bị hại có nội hàm hẹp hơn so với khái niệm nạn nhân của tội phạm. Như đã biết, hành vi phạm tội luôn gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Để gây ra những thiệt hại cho những quan hệ này, hành vi phạm tội đã tác động gây thiệt hại cho một số cá nhân, tổ chức. Trong khi đó nạn nhân của tội phạm là những cá nhân, tổ chức bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại, gây ra những thiệt hại về thể chất, về tinh thần,
tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Như vậy, nạn nhân của tội phạm ngoài cá nhân còn có thể là tổ chức, pháp nhân; thiệt hại của nạn nhân không chỉ về thể chất, về tinh thần, về tài sản mà còn có thể bao hàm những thiệt hại về các quyền và các lợi ích hợp pháp khác, thiệt hại đó có thể bao gồm cả những thiệt hại gián tiếp; hơn nữa nạn nhân chỉ khi tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hình sự mới được xem là người bị hại.
Thứ hai: Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận khách thể
của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động đến, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Đối tượng tác động của tội phạm không chỉ là con người mà còn bao gồm các đối tượng vật chất khác và các hoạt động bình thường của chủ thể. Trong khi đó con người - nạn nhân bị tội phạm xâm phạm về thể chất, tinh thần và các quyền tự do dân chủ, họ chính là một trong số các đối tượng tác động của tội phạm. Như vậy có thể khẳng định rằng khái niệm người bị hại, nạn nhân, đối tượng tác động của tội phạm mặc dù có những điểm tương đồng, chồng lấn... nhưng về bản chất, đặc trưng của chúng là hoàn toàn khác nhau.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra để luận bàn đó là: Trong trường hợp tổ chức hoặc pháp nhân bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại thì họ có phải là người bị hại không? Có nhiều ý kiến khác nhau khi đề cập đến vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng người bị hại chỉ có thể là thể nhân, một
con người cụ thể; tổ chức hoặc pháp nhân không thể là người bị hại. Bởi lẽ khái niệm "người" ở đây là đề cập đến con người cụ thể. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần... do hành vi phạm tội gây ra, mà thể chất và tinh thần thì chỉ có và gắn liền với con người, một thể nhân cụ thể, thiệt hại này không thể xảy ra đối với pháp nhân hay tổ chức. Đi xa hơn, ý kiến này còn cho rằng thiệt hại do tội phạm gây ra có thể gây ra những mất mát, đau đớn về tinh thần, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cho người thân
của người bị hại nhưng cũng không thể xem người thân đó là người bị hại. Tham khảo quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự của các quốc gia như đã
viện dẫn trên cho thấy các quốc gia này đều quan niệm người bị hại trong vụ án hình sự chỉ có thể là con người cụ thể chứ không phải một pháp nhân, một cơ quan nhà nước hay một tổ chức xã hội, cho dù thiệt hại gây ra là thiệt hại trực tiếp, và đây cũng là quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam thể hiện rõ trong Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng: ngoài cá nhân là người bị hại, trong
trường hợp tổ chức, pháp nhân bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại thì phải xem tổ chức hoặc pháp nhân đó là người bị hại. Cần phải quan niệm khái niệm người bị hại theo nghĩa rộng của từ này. Lập luận cho luận điểm của mình, những người theo quan điểm này cho rằng trong thực tế hành vi phạm tội không chỉ gây ra thiệt hại cho cá nhân, hành vi phạm tội trong thực tế còn nhắm đến để gây thiệt hại cho pháp nhân, tổ chức. Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho pháp nhân, tổ chức là rất đa dạng, không thuần túy là thiệt hại về tài sản. Trong thực tế, tổ chức, pháp nhân có thể bị thiệt hại cả về vật chất lẫn thiệt hại về tinh thần, chẳng hạn một doanh nghiệp bị giả mạo về thương hiệu, bị vu khống làm mất uy tín trong kinh doanh... Về vấn đề này, tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng hình sự Ba Lan quy định: người bị hại là người hoặc pháp nhân mà lợi ích hợp pháp của họ bị hậu quả của tội phạm trực tiếp xâm hại hoặc bị đe dọa. Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự Hungary cũng có quan điểm tương tự.
Ý kiến cho rằng người bị hại chỉ có thể là cá nhân, vậy tổ chức, pháp nhân bị tội phạm trực tiếp xâm hại, pháp nhân, tổ chức đó sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì? Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì trong trường hợp này pháp nhân, tổ chức sẽ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự khi có đơn yêu cầu. Chúng tôi cho rằng quy định như vậy là chưa thật sự hợp lý, bởi lẽ:
Thứ nhất: Đối với các tổ chức, pháp nhân mà tài sản thuộc sở hữu nhà
cầu thì họ sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì? Tài sản của nhà nước liệu có được đảm bảo?
Thứ hai: Đối với các doanh nghiệp mà tài sản thuộc sở hữu cá nhân,
của một nhóm người cùng góp vốn kinh doanh (công ty trách niệm hữu hạn, công ty hợp danh...) trong quá trình hoạt động lại bị kẻ phạm tội gây thiệt hại, vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình chủ sở hữu tài sản đó chỉ được tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự, liệu có hợp lý? Liệu có đảm bảo sự bình đẳng trong khi về thực chất tài sản đó đều là của cá nhân?
Thứ ba: nếu cho rằng tổ chức, pháp nhân bị kẻ phạm tội trực tiếp xâm
hại về tài sản sẽ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự thì sẽ không có sự phân biệt với thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội gián tiếp gây ra. Chẳng hạn khi đánh nhau với B, A đã gây ra một số thiệt hại về tài sản của C.
Thứ tư: nếu quan niệm rằng hành vi gây thiệt hại cho pháp nhân, tổ
chức là thiệt hại về tài sản như định nghĩa tại Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì chúng ta phải giải thích như thế nào khi thiệt hại do tội phạm gây ra cho tổ chức, pháp nhân là thiệt hại về thương hiệu, về uy tín trong kinh doanh...?
Như vậy, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam chỉ công nhận người bị hại là cá nhân bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại. Họ là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho mình, pháp luật ghi nhận họ có rất nhiều quyền năng tố tụng (Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003). Đặc biệt trong những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, họ là người giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định có hay không có một vụ án hình sự thông qua việc yêu cầu hay không yêu cầu khởi tố.