Các giải pháp khác

Một phần của tài liệu Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 92 - 96)

b. Thời điểm yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

3.2.7.Các giải pháp khác

Nếu quy định của pháp luật đã hoàn thiện nhưng việc nhận thức, áp dụng các quy định đó của nguời dân, của cơ quan tiến hành tố tụng không đúng đắn thì hiệu quả áp dụng pháp luật sẽ không cao. Vì vậy, ngoài việc đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp khác nhằm đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật đạt được hiệu quả cao nhất.

a. Nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ của người tiến hành tố tụng

Hiện nay, trình độ nghiệp vụ của cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng được nâng cao, nhưng số lượng cán bộ có trình độ cao lại chưa nhiều. Không chỉ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ở một số địa phương, trình độ nghiệp vụ của cán bộ còn yếu kém, dẫn đến việc áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự chưa đúng. Một số cán bộ còn nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chủ quan, phiến diện, thậm chí mang tính áp đặt làm cho các cơ

quan tiến hành tố tụng cũng xem xét và giải quyết vụ án nhiều khi chưa đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Mặt khác, chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu người bị hại theo quy định của pháp luật hiện hành còn chứa đựng trong nó nhiều kẽ hở mà dựa vào đó, người tiến hành tố tụng sẽ làm những việc không minh bạch. Do vậy, khi áp dụng các quy định trong chế định này nói riêng và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nói chung thì phẩm chất đạo đức của người tiến hành tố tụng là yêu cầu hàng đầu. Họ vừa phải là người giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vừa là người có đạo đức tốt, trung thực, khách quan. Có như vậy người dân mới tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.

b. Nâng cao trình độ hiểu biết của người dân

Để việc áp dụng các quy định trong chế định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại đạt hiệu quả, người bị hại phải biết về các quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó đáng chú ý là quyền yêu cầu khởi tố vụ án và quyền rút yêu cầu khởi tố. Sự không hiểu biết pháp luật của người dân cùng với sự chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng đã làm cho quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại không được bảo vệ toàn diện và chế định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Vì vậy, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải được trang bị những hiểu biết nhất định về pháp luật để họ bảo vệ lợi ích của mình hoặc của người thân có hiệu quả hơn. Song song với vấn đề nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân, phải chú ý tăng cường sự hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng mà đặc biệt là mối quan hệ giữa người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại với cơ quan có thẩm quyền.

KẾT LUẬN

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại là một chế định không mới, được áp dụng khá phổ biến trong pháp luật các nước. Ở Việt Nam chế định này lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988. Đây là chế định thể hiện tính dân chủ, sự tôn trọng và cảm thông trước sự thiệt hại, mất mát, đau đớn của người bị hại. Mặc dù nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự Việt Nam là nguyên tắc công tố, tức là hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, Nhà nước đã cam kết sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân bằng một văn bản pháp lý có giá trị cao nhất, đó là Hiến pháp, bằng cả hệ thống pháp luật và cơ chế đảm bảo thực hiện. Mọi hành vi phạm tội xâm hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân sẽ bị Nhà nước xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, khi xử lý hành vi phạm tội, Nhà nước còn phải quan tâm đến nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người bị hại. Thực tế cho thấy mặc dù bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nhưng người bị hại lại không muốn đưa ra xử lý vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tương lai của họ, cũng có trường hợp giữa người bị hại và người gây thiệt hại có những mối quan hệ đặc biệt. Điều 51 và Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã ghi nhận yêu cầu khởi tố của người bị hại. Quá trình áp dụng cho thấy chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại đã phát huy hiệu quả, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại được bảo vệ tốt hơn.

Mặc dù vậy, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại không phải là một chế định có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại một cách toàn diện và hữu hiệu. Chế định này tự nó cũng không thể phát huy hiệu quả nếu không được nhận thức và áp dụng đúng đắn. Trong thời gian hơn 20 năm (1988 - 2009), kể từ khi được quy định cho đến nay, chế định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu người bị hại nhìn chung phù hợp với

thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta. Chính vì vậy, việc xây dựng, nhận thức và thực hiện đúng những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về chế định này sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc thi hành chính sách hình sự của Nhà nước ta, đồng thời có ý nghĩa tích cực trong đời sống xã hội, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà đời sống của người dân đang dần dần được nâng cao thì quyền và lợi ích của họ càng phải được Nhà nước và pháp luật quan tâm, bảo vệ. Vì vậy, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu người bị hại trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 và năm 2003 đã trở thành cơ sở để người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người mà mình đại diện. Tuy nhiên, do quy định của pháp luật còn hạn chế, thiếu sót dẫn đến sự nhận thức và áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại đã không được bảo đảm. Do đó, chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu một cách có hệ thống các quy định của pháp luật về chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu người bị hại để giúp cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại một cách tốt nhất.

Một phần của tài liệu Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 92 - 96)