Chương II: Thực trạng dịch vụ giáo dục ở Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa
2.3 Thực trạng tác động của hoạt động di trú đến giáo dục ở Việt Nam
Sự di trú của người lao động Việt Nam ra nước ngoài là khá đa dạng. Hoạt động xuất khẩu lao động xuất phát từ lợi thế Việt Nam là một quốc gia đông lao động trong khi hiện tượng chảy máu chất xám ở lực lượng lao đông có trình độ cao đang gia tăng ở Việt Nam.
Người lao động sang nước ngoài làm việc dưới dạng xuât khẩu lao động thường là lao động học hết phổ thông hoặc thấp hơn, họ sẽ được tiếp cận với môi trường làm việc của các nước tiên tiến hơn, được đào tạo những kĩ năng chuyên nghiệp và học tập được kinh nghiệm làm việc cũng như khả năng sử dụng công nghệ từ nước ngoài.
Ở Việt Nam đang gia tăng trào lưu du học sang các nước phương Tây, ngoài một bộ phận du học tự túc của gia đình thì có một phần lớn số du học sinh này là các tài năng được đi du học theo dạng học bổng của nhà nước hoặc học bổng do các tổ chức quốc tế hay các trường đại học nước ngoài cấp. Có thực tế là số du học sinh sang học tập ở các nước phương tây thường có xu hướng định cư và làm việc ngay tại nước họ do ở đó có những điều kiện và môi trường tiên tiến hơn nếu quay lại Việt Nam làm việc. Điều này làm thất thoát nguồn lực con người rất lớn, không chỉ riêng cho ngành giáo dục mà còn cả quốc gia. Nhưng cũng phải nhìn vào điểm tích cực của vấn đề ở đây rằng, những cá nhân này thường có trình độ nên họ sẽ đủ khả năng tiếp thu được những tinh hoa của nền văn minh phương tây. Với kinh nghiệm có được từ khoảng thời gian làm việc và sinh sống tại nước ngoài, rất nhiều người đã về nước và cống hiến cho nước nhà, trong đó rất nhiều người về làm giáo sư, giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học của Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta phải thực sự có chính sách hợp lý thu hút đội ngũ này về nước làm việc, đặc biệt là tham gia vào công cuộc đào tạo lớp trẻ, cải cách giáo dục ở Việt Nam.