Theo Khoản 1, Điều 5, Nghị định 105/2006/NĐ-CP, đối tượng bị xâm phạm là nhãn hiệu được bảo hộ (nhãn hiệu do chủ sở hữu đăng ký hoặc được chuyển giao quyền). Theo Điều 6, Nghị định trên và Điều 6, Luật SHTT 2005, nhãn hiệu bảo hộ được xác định theo Văn bằng bảo hộ (Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và Quyết định chấp nhận đơn đăng ký quốc tế) hoặc Hợp đồng lixăng đối với nhãn hiệu không phải là nhãn hiệu nổi tiếng và các tài liệu thể hiện sự nổi tiếng của nhãn hiệu theo các tiêu chí quy định tại Điều 75 của Luật SHTT 2005 đối với nhãn hiệu nổi tiếng (trong đó Quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng là một tài liệu quan trọng). Hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu có thể xâm phạm một phần hoặc toàn bộ các quyền đối với nhãn hiệu được xác định dựa trên một phần hoặc toàn bộ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, một hoặc một vài tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng.
Quy định trên về cơ bản phù hợp với pháp luật của các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law, với các nước theo hệ thống Common Law, lại hơi khác. Ví dụ, theo pháp luật Hoa Kỳ, vì pháp luật bảo hộ cả các nhãn hiệu đạt được tính phân biệt thông qua việc sử dụng ngay cả khi nó không được đăng ký chính thức trên cơ sở ghi nhận các quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá theo Luật nhãn hiệu (Ví dụ nhãn hiệu được đăng bạ tại Sổ đăng bạ bổ sung), vì vậy, các hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với loại nhãn hiệu này cũng bị coi là các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.