Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

Một phần của tài liệu Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo pháp luật dân sự việt nam (Trang 44 - 46)

Theo Khoản 1, Điều 129, Luật SHTT 2005, hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu là các hành vi dưới đây thực hiện không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu:

1. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu;

2. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

3. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

4. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ đăng ký kèm theo nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

5. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng

hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu với chủ sở hữu nhãn hiệu;

6. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu với chủ sở hữu nhãn hiệu [54].

Quy định trên thể hiện phương pháp định nghĩa hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu theo cả kiểu nội dung (chỉ ra dấu hiệu cơ bản của hành vi là "sử dụng không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu") và hình thức (liệt kê các dạng hành vi xâm phạm). Đây là cách quy định thường thấy trong pháp luật SHTT thế giới nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng về hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Tuy nhiên, ở góc độ khoa học, dễ thấy quy định trên rất rườm rà.

Các nhóm hành vi được phân chia dựa trên yếu tố xâm phạm và loại nhãn hiệu (bốn nhóm đầu là các hành vi xâm phạm nhãn hiệu thông thường, hai nhóm sau là các hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng) và sắp xếp theo thứ tự giảm dần về mức độ xâm phạm, khả năng gây nhầm lẫn và tăng dần tính chất chất phức tạp trong việc xác định hành vi xâm phạm. Đối với nhãn hiệu thông thường, nếu cả dấu hiệu và hàng hoá, dịch vụ đều trùng thì mới đủ cấu thành hành vi xâm phạm (Nhóm 1). Ngược lại, nếu chỉ có dấu hiệu hoặc dịch vụ, hàng hóa là trùng thì chỉ có thể xác định là hành vi xâm phạm khi việc sử dụng dấu hiệu kết hợp với hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ (tương tự gây nhầm lẫn) (Nhóm 2-4). Tuy nhiên, với nhãn hiệu nổi tiếng thì chỉ cần xác định hành vi xâm phạm dựa trên dấu hiệu xâm phạm ở hai cấp độ là trùng và tương tự hoặc liên quan.

Ở đây cần phải làm rõ khái niệm "hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm". Trên cơ sở quy định về "sử dụng nhãn hiệu" tại Khoản 5, Điều 124, Luật SHTT 2005 có thể xác định:

Hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm là các hành vi sau không được sự đồng ý của chủ sở hữu và không thuộc các trường hợp ngoại lệ pháp luật cho phép sử dụng:

- Gắn dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

- Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ;

- Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ [54].

Dưới đây tác giả sẽ phân tích các dạng hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu.

Một phần của tài liệu Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo pháp luật dân sự việt nam (Trang 44 - 46)