Theo khoản 4, Điều 5, Nghị định 105/2006/NĐ-CP, hành vi xâm phạm phải xảy ra tại Việt Nam (bao gồm cả hành vi xảy ra trên mạng internet nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam). Ở đây, khái niệm "xảy ra tại Việt Nam" (phạm vi lãnh thổ Việt Nam - không gian diễn ra hành vi xâm phạm) là rất rộng. Đó không chỉ là lãnh thổ theo đường biên giới, trên các phương tiện vận tải quốc tế mang quốc tịch của Việt Nam mà còn là "lãnh thổ" trên mạng internet là giới hạn về đối tượng tác động của hành vi ở Việt Nam (nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam). Quy định về "địa điểm thực hiện hành vi" bao gồm cả "lãnh thổ" trên internet là rất rộng, mới và phù hợp với xu thế thời đại công nghệ thông tin xoá bỏ mọi khoảng cách về biên giới lãnh thổ truyền thống. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là việc xác định địa điểm thực hiện hành vi theo tiêu chí trên là rất phức tạp và khó khăn vì nó xác định dựa trên cơ sở mục đích của hành vi (cái đã, đang hoặc chưa diễn ra trên thực tế) trong môi trường kỹ thuật số đòi hỏi phải có các phương tiện kỹ thuật cao để xác định, đồng thời hiện tại chưa có bất cứ quy định cụ thể hay hướng dẫn chính thức nào cho trường hợp này.
Về mặt khoa học, có thể xác định "địa điểm" trên dựa trên các cơ sở:
Thứ nhất, hình thức (phong cách trình bày, ngôn ngữ…) và nội dung của các phương tiện trên internet gần gũi, hấp dẫn với nhóm người tiêu dùng hoặc dùng tin tại Việt Nam (ví dụ, nếu nhằm vào đối tượng thanh niên Việt Nam, thì website, forum, email... mà hành vi sử dụng để mua bán, lưu thông, quảng cáo... sử dụng tiếng Việt, với phong cách trình bày với các màu sắc, hình ảnh, âm thanh tươi trẻ, bắt mắt, hiện đại và trẻ trung đang thịnh hành, nội dung đánh vào tâm lý hiếu kỳ, chạy theo phong cách mới của giới trẻ và hàng hoá, dịch vụ được cung cấp nhằm thoả mãn nhu cầu đó).
Thứ hai, thông qua số lượng khách truy cập vào các phương tiện trên internet trong đó có thống kê số lượng khách theo các tiêu chí như độ tuổi, quốc tịch, chuyên mục truy cập; xếp hạng của các công cụ dùng trên internet
của các nhà quản trị mạng; điều tra nhận thức của nhóm khách hàng tại Việt Nam mà các công cụ trên internet hướng tới; doanh số từ việc bán hàng, phạm vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam…
Trên cơ sở các tiêu chí xác định hành vi xâm phạm, Nghị định 97/2010/NĐ-CP đã cụ thể hoá các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu bị xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 211, Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2009 tại 03 Điều: Điều 12-nhóm các hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; Điều 13- nhóm các hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu; Điều 11-nhóm các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu còn lại (bao gồm (1) bán, chào bán, vận chuyển (kể cả quá cảnh), tàng trữ, trưng bày để bán hàng hoá, dịch vụ, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; (2) sản xuất hàng hoá mang dấu hiệu xâm phạm đối với nhãn hiệu; (3) nhập khẩu hàng hoá mang dấu hiệu xâm phạm đối với nhãn hiệu; (4) đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện các hành vi nêu trên). So với quy định tại Điều 13-15, Nghị định 106/2006/NĐ-CP thì quy định trên có nhiều sự khác biệt. Thứ nhất, tại nhóm hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (Điều 11), đã không xem xét dấu hiệu "không chấm dứt hành vi vi phạm quyền mặc dù đã được chủ sở hữu quyền yêu cầu", thay thế dấu hiệu "gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc xã hội" bằng dấu hiệu dễ xác định hơn là "vì mục đích kinh doanh" trong việc xác định hành vi xâm phạm cho phù hợp với Điều 211, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2009 và Điều 171, Luật Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2009. Thứ hai, các hành vi xâm phạm đã được sửa đổi, bổ sung hợp lý. Hành vi "vận chuyển" đã được làm rõ bao gồm cả vận chuyển quốc tế là "quá cảnh" để tránh tình trạng lách luật của các chủ thể trong thời gian vừa qua. Hành vi "trưng bày để bán" đã thay thế cho "quảng cáo để bán" cho phù hợp với bản chất của hành vi. Hành vi "giao cho người khác thực hiện hành vi" đã được cụ thể hoá thành "đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi". Thứ ba, phương thức tính mức phạt tiền
đã được sửa đổi từ "1-5 lần giá trị hàng hoá vi phạm phát hiện được" thành các mức tiền định sẵn "theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính" cho phù hợp với khoản 4, Điều 214, Luật Sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2009. Mặc dù quy định này sẽ làm cho việc xử lý xâm phạm nhãn hiệu nhanh chóng hơn nhưng ở góc độ nào đó nó sẽ làm giảm tính chất răn đe của hình thức xử lý vì mức phạt tiền sẽ giảm rất nhiều.