III. Nội dung cơ bản về triết học của các chương trong tác phẩm 1 Những sơ thảo đề cương [31 36]
3. Vật chất và vận động.
- Về cơ bản F.Enghen đã chỉ ra cách khái niệm vật chất và khái niệm vận động bằng con đường trừu tượng hoá, khái quát hoá các thuộc tính chung của mọi sự vật, hiện tượng cụ thể và các dạng vận động cụ thể mà ta có thể cảm nhận được bằng các giác quan. Vật chất với tư cách là khái niệm không tồn tại một cách cảm tính và cũng không thể sáng tạo ra.
- F.Enghen chỉ ra vận động là phương thức tồn tại và là thuộc tính cố hữu của vật chất: không có dạng vật chất nào là không vận động, cũng như không có vận động nào lại không phải là vận động của vật chất. Vận động của vật chất là vận động tự thân nó không thể sáng tạo ra cũng như không thể bị tiêu diệt. Thuộc tính của các vật thể chỉ bộc lộ thông qua vận động. Hình thức của vận động như thế nào là do bản chất của vật thể đang vận động quy định.
- F.Enghen cũng chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa vận động và đứng im là mối quan hệ không thể tách rời nhau. Đứng im là sự vận động trong cân bằng, vận động mà sự vật, hiện tượng chưa biến đổi về chất là sự cân bằn trong vận động. Vận động cá biệt có xu hướng dẫn đến sự cân bằng, vận động toàn thể lại phá vỡ sự cân bằng riêng biệt. Mọi đứng im chỉ là tương đối và tạm thời.
- F.Enghen chỉ ra vận động của vật chất có nhiều hình thức. Ông chỉ ra năm hình thức cơ bản của vận động của vật chất, đồng thời cũng chỉ ra giữa các hình thức vận động đó luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau, không tách rời nhau mà có thể chuyển hoá cho nhau trong những điều kiện nhất định. Ông chỉ
ra sự phân biệt các hình thức vận động và vạch ra mối quan hệ giữa chúng với nhau là cơ sở để phân loại các ngành khoa học cũng như vạch ra mối quan hệ giữa các ngành khoa học với nhau.
4. Ý thức.
Trong những chừng mực nhất định, trong tác phẩm này F.Enghen có bàn đến ý thức. Ông chỉ ra, vật chất trong quá trình vận động và phát triển theo quy luật của mình khi có điều kiện thích hợp thì nảy sinh vật chất biết tư duy.
- Y thức có mầm mống từ sinh vật cấp thấp là tính nhạy cảm, nhưng chỉ đến con người mới thực sự có ý thức. Cái quyết định làm cho con người có ý thức là lao động. Con vật chỉ sống dựa vào tự nhiên và thích ứng với tự nhiên. Trái lại, con người không thoả mãn với những gì đã có sẵn trong tự nhiên, mà bằng lao động của mình tác động một cách tích cực vào tự nhiên, cải tạo tự nhiên theo nhu cầu của mình. Lao động là điều kiện cơ bản của toàn bộ đời sống con người. Trong lao động, một mặt con người bắt tự nhiên bộc lộ những đặc trưng, đặc tính của nó để mình phản ánh, mặt khác lao động làm cho các giác quan của con người ngày càng hoàn thiện, khả năng phản ánh của con người ngày càng cao. Lao động quyết định sự hình thành, phát triển của ngôn ngữ làm cho con người có khả năng phản ánh một cách gián tiếp, khái quát. Chính thế mà ý thức của con người xuất hiện. F.Enghen nói: “Sau lao động, đồng thời với lao động là ngôn ngữ, là hai kích thích chủ yếu biến óc vượn thành óc người”.
- F.Enghen chỉ ra vai trò to lớn của ý thức đối hoạt động của con người. Hoạt động của con vật là hoạt động bản năng. Hoạt động của con người là hoạt động có ý thức. Ông chỉ ra, loài người càng cách xa loài vật bao nhiêu, thì tác động của con người vào tự nhiên càng mang tính chất của một hoạt động có tính toán trước, tiến hành một cách có phương pháp, hướng vào những mục đích nhất định đã đề ra từ trước bấy nhiêu. Tuy nhiên, nếu từ đó mà cho rằng, hoạt động của con người là do tư duy của con người quyết định thì sẽ đi đến chủ nghĩa duy tâm.