Syllabeme đơn vị ngữ âm cơ bản

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH:NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI pptx (Trang 25 - 27)

LÝ THUYẾT SYLLABEME VÀ CƠ CẤU ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT

3.1.2. Syllabeme đơn vị ngữ âm cơ bản

Luận điểm đầu tiên, mang tính chất chủ đạo, của âm vị học âm tiết: coi âm tiết là đơn vị cơ bản của hệ thống ngữ âm, thuộc hàng những đơn vị thuộc hệ thống ngôn ngữ, chứ không chỉ là đại lượng ngữ âm nảy sinh ra lâm thời trong quá trình giao tiếp.

Kế thừa E.D. Polivanov, chúng ta gọi đơn vị ngữ âm cơ bản này là syllabeme. Khi coi âm tiết tiếng Hán (ngôn ngữ cùng loại hình với tiếng Việt) là đơn vị ngữ âm cơ bản và đối sánh nó với phoneme (âm vị) trong các ngôn ngữ châu Âu, E. D. Polivanov nhấn mạnh tính độc lập và tối thiểu của âm tiết trong vai trò cấu tạo nên hình thức ngữ âm của hình vị và của từ trong các ngôn ngữ loại này so với lý thuyết âm vị học trong các ngôn ngữ phi âm tiết tính ở châu Âu. Âm tiết âm vị học là kết quả tổ hợp giữa các âm vị trong quá trình hành chức của ngôn ngữ.

Trong các ngôn ngữ đơn lập có thanh điệu như tiếng Việt, tiếng Hán,… nói chung không thấy có hiện tượng phát âm một âm tiết (syllabeme) nào đó thành ra hai âm tiết trong thực tế ngữ lưu. Nếu có thì cũng chỉ là sự ngộ nhận khi người ngoại quốc thẩm âm lúc họ nghe người Hà Nội phát âm từ ngã do cách phát âm của người Hà Nội nhấn mạnh đến nỗi nghe thành hai âm tiết: /ŋa - á/. Còn đối với người Việt, đây chỉ là một âm tiết mà thôi.

Hiện tượng biến âm và biến điệu diễn ra trong phép láy hình vị để cấu tạo các dạng từ láy rất phổ biến trong tiếng Việt. Ví dụ, từ hình vị khít nhờ vào phép láy sẽ cho ta các từ:

khin khít / khít khịt / khít khìn khịt, trong đó các syllabeme khin / khít / khìn chẳng qua đều là những biến thể ngữ âm của hình vị khít.

Như vậy, syllabeme với tư cách là đơn vị cơ bản của hệ thống ngữ âm trong các ngôn ngữ đơn lập - âm tiết tính cần được phân biệt một mặt với âm tiết thực trong chuỗi lời nói được phân ra thành một khúc đoạn tối thiểu, và mặt khác, hình tiết (morphosyllabeme = morphem + syllabic: âm tiết đóng vai trò ngữ âm của một hình vị) là đơn vị cơ bản thuộc hệ thống ngữ pháp của ngôn ngữ.

Đối với các ngôn ngữ biến hình ở châu Âu, các nhà ngôn ngữ học chỉ xem âm tiết thông qua các mô hình cấu tạo của chúng trong ngôn ngữ đang xét dưới dạng CV, CVC, CCV, CCCVCC,… với C (consonant - phụ âm), V (vowel - nguyên âm) chứ không tính đến số lượng hoặc lên danh sách đầy đủ các âm tiết. Trong khi đó, các nhà ngôn ngữ học khi nghiên cứu các ngôn ngữ đơn lập rất quan tâm đến việc tính đếm số chữ, số tiếng (âm tiết). Khi chúng ta nghiên cứu đến hệ thống âm tiết thì chúng ta phải quan tâm đến ba tiêu chí sau:

- Ranh giới âm tiết. - Cấu trúc âm tiết. - Số lượng âm tiết.

Hiện tượng âm tiết được các nhà nghiên cứu lấy làm căn cứ để phân chia loại hình ngôn ngữ ngày càng tỏ ra có vị trí rõ rệt trong ngôn ngữ học loại hình. Sau đây chúng ta cùng xét đến các tiêu chí này của hệ thống âm tiết một cách cụ thể.

a. Tiêu chí ranh giới âm tiết: Trên quan điểm của loại hình học ngữ âm thì vấn đề ranh giới âm tiết cần được xem xét trong sự tương quan với ranh giới hình vị. E.D. Polivanov và Ju.V. Rozhdestvenski rất quan tâm đến sự tương quan này. Xét từ góc độ này có thể đưa ra tiêu chí cho việc phân chia các loại hình cơ cấu ngữ âm.

+ Có hay không có khả năng xê dịch ranh giới âm tiết (resyllabation) so với ranh giới hình vị trong cấu tạo từ và biến dạng từ. Theo tiêu chí này các ngôn ngữ biến hình như tiếng Nga, Pháp, Anh, Đức,… đối lập hoàn toàn với các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Hán, Việt, Thái, Khơme,…

Ví dụ: dom - domou - domik

+ Có hay không có ranh giới hình vị đi qua trong lòng một âm tiết. Hầu hết các ngôn ngữ biến hình ở châu Âu đều chấp nhận tiêu chí này. Đặc biệt là tiếng Nga.

Ví dụ: dom - domik. Âm tiết muk đã bị chia cắt vì m vẫn ghép liền với dom Trong tiếng Anh: thank you.

+ Có hay không có hiện tượng lưỡng khả trong việc phân giới âm tiết.

Lưỡng khả là gì? Đó chính là khả năng phân chia âm tiết theo hai cách khác nhau cho cùng một từ.

F. de. Saussure đưa ra ví dụ: ardra có hai cách phát âm: /ar-dra/ và / ard-ra/

Tác giả người Nga Panov có đưa ra 1 ví dụ khác: bomba cũng có hai cách phát âm: /bo-mba/ và /bom-ba/.

b. Tiêu chí về cấu trúc âm tiết

+ Có hay không có tổ hợp phụ âm trong cấu trúc âm tiết. Tổ hợp phụ âm có thể đi liền với nhau, chúng có thể tương đối tự do. Đây còn gọi là các phụ âm kép: kl, tl, ml, pl,…

+ Có hay không có nguyên âm đôi trong cấu trúc âm tiết. Hầu hết trong tất cả các ngôn ngữ đều có nguyên âm đôi.

+ Có hay không có âm tiết khép trong cấu trúc âm tiết. c. Tiêu chí về số lượng âm tiết

Số lượng âm tiết cần được xác định cả trên lý thuyết và số lượng âm tiết sử dụng trong thực tế của một ngôn ngữ. Đối với các ngôn ngữ phương Đông, đặc biệt là các ngôn ngữ đơn lập có thanh điệu ở Đông Nam Á thì số lượng âm tiết được sử dụng là những đại lượng có giới hạn và có thể tính được.

+ Có hay không có được số lượng hữu hạn các âm tiết về mặt lý thuyết và trong thực tế sử dụng của ngôn ngữ đang xét. Tiêu chí này phụ thuộc nhiều vào tiêu chí ranh giới âm tiết và tiêu chí cơ cấu âm tiết. Trong các ngôn ngữ phương Đông, các tín hiệu ngôn ngữ, các đơn vị từ ngữ phân biệt với nhau không chỉ về mặt chất lượng mà trước hết về mặt số lượng. Đây là cơ sở để nghiên cứu về loại hình các ngôn ngữ.

+ Có hay không lấy âm tiết làm độ dài tối thiểu hay tối đa đối với cấu trúc ngữ âm của các đơn vị từ vựng. Ngoài ba nhóm tiêu chí trên đây về ranh giới âm tiết, cấu trúc âm tiết và

số lượng âm tiết, khi phân chia loại hình ngữ âm đối với các ngôn ngữ cũng cần tính đến tiêu chí thuộc về tuyến điệu (prosody).

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH:NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI pptx (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)