Bệnh cúm A/H5N1 còn có nhiều tên gọi khác nhau: Bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao (HPAI - highly pathogenic avian influenza); Bệnh cúm chim (Bird Flu). Trong dân gian thường gọi là “cúm gà”.
Virus cúm A/H5N1 được phát hiện lần đầu tiên gây bệnh dịch trên gà tại Scotland vào năm 1959, có thể coi đây là chủng virus cổ điển (danh pháp: A-Ck- Scotland-59(H5N1), số đăng ký trong Ngân hàng gen: X07869).
Dòng virus A/H5N1 năm 1996 phân lập từ ngỗng (Quảng Đông - Trung Quốc) là virus cúm A/H5N1 hiện đại mới xuất hiện [43]. Đặc biệt sự khác biệt của gen kháng nguyên HA (H5) và NA (N1) đã có những thay đổi lớn trong thành phần chuỗi gen và
kháng nguyên miễn dịch. Kể từ khi xuất hiện tại Quảng Đông (1996) và Hồng Kông
(1997), đến nay virus cúm A/H5N1 đã có những biến đổi không những gây chết gia cầm mà còn thích ứng và gây chết ở người. Mặc dù về cấu trúc vẫn như trước đó, nhưng xét về độc lực (tính gây bệnh), loài vật chủ nhiễm bệnh, tính kháng nguyên miễn dịch và mức độ truyền lây có nhiều nét đặc trưng hơn và khác với nhiều biến chủng H5N1 đã được phát hiện trước đây [69], [128].
Một biến thể mới của H5N1 khác biệt so với chủng virus Gs-Gd1-1996(H5N1) (dòng Quảng Đông) xuất hiện từ 2005 đó là chủng Phúc Kiến và đã trở thành chủng cúm gia cầm phổ biến tại nhiều tỉnh ở Trung Quốc và lây lan sang Hồng Kông, Lào,
Malaysia, Thái Lan, Việt Nam [9], [82], [107]. Từ cuối năm 2005, cúm A/H5N1 chủ yếu là các chủng virus thuộc phân dòng Thanh Hải (nguồn gốc vùng Bắc Trung Quốc) bắt đầu lan sang một số nước vùng Trung Á, trong đó có Nga, rồi tràn ngập Đông Âu và xâm nhập vào các nước vùng Tiểu Á, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Bắc- Trung Phi và đến nay cũng đã được phát hiện tại Việt Nam.