Thông thường, các virus cúm A nói chung và cúm A/H5N1 nói riêng có mức độ đột biến điểm cao làm thay thế một số nucleotide tại những vị trí mà ở đó có thể tạo nên các amino acid mới có khả năng tiếp nhận carbon hydrate tạo nên hiện tượng glycosyl hoá (glycosylation). Hay nói cách khác, ở virus cúm A (và A/H5N1), glycosyl
hoá là sự gắn kết của một chuỗi carbonhydrate (oligosaccharide) vào với amino acid asparagine (N) ở một số vị trí nhất định trong chuỗi polypeptide HA hay NA, hay một số polypeptide khác. Thông thường chuỗi oligosaccharide được gắn tại vị trí NXS hoặc NXT (trong đó, N: asparagine, X: amino acid bất kỳ, trừ proline, S: serine hoặc T: threonine). Đây là những vị trí được cho là gắn kết với các kháng thể được cơ thể sinh ra do kích thích của kháng nguyên, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm virus. Hiện tượng «lệch kháng nguyên» sinh ra do đột biến điểm ở một vị trí nào đó hình thành nên bộ mã của asparagine, tạo tiền đề cho hiện tượng glycosyl hoá xảy ra khi tổng hợp chuỗi polypeptide HA hay NA, làm thay đổi biểu hiện đặc tính kháng nguyên của HA và NA, giúp cho virus thoát khỏi tác động miễn dịch bảo hộ của cơ thể chủ và điều hoà sự nhân lên của virus [24].
Hiện tượng “lệch kháng nguyên” và “glycosyl hóa” xảy ra liên tục theo thời gian, còn hiện tượng “trộn kháng nguyên” có thể xảy ra với tất cả các chủng của virus cúm A, khi đồng nhiễm trong một tế bào ở tất cả các loài vật chủ khác nhau. Đây cũng chính là vấn đề đáng lo ngại của virus cúm A/H5N1 hiện nay, mặc dù virus này chưa có sự thích nghi lây nhiễm dễ dàng ở người, nhưng nó có khả năng gây bệnh cho
người, và rất có thể virus cúm A/H5N1 tái tổ hợp (vay mượn) gen HA hay NA, hoặc cả
hai gen của các chủng virus cúm A đã thích nghi ở người, để tạo ra một biến chủng virus mới thích ứng lây nhiễm dễ dàng ở người, gây ra nguy cơ của một đại dịch cúm mới và đặt ra một định hướng mới trong phòng chống [23], [56], [74].