Các mức độ phân hóa và các loại phân hóa

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên huyện tân sơn phú thọ theo định hướng phân hóa (Trang 27 - 31)

15

Theo các tác giả Nguyễn Đắc Thanh: DHPH là một chiến lược dạy học được phân chia thành hai cấp độ: vĩ mô và vi mô.

+) Cấp độ vĩ mô (phân hóa ngoài) là sự tổ chức quá trình dạy học thông qua các loại hình nhà trường, các lớp khác nhau, xây dựng các chương trình dạy học khác nhau.

+) Cấp độ vi mô (phân hóa nội tại) là sự tổ chức hoạt động dạy học trong một tiết học, bài học, một lớp học, từng môn học có tính đến các đặc điểm cá nhân của HS, là sử dụng các biện pháp thích hợp trong một lớp thống nhất với cùng một kế hoạch, một chương trình và sách giáo khoa.

Ngoài hai mức độ phân hóa trên hiện nay người ta còn thực hiện DHPH trung gian và DHPH bộ phận như sau:

- Dạy học phân hóa trung gian: Là DHPH dựa trên sự thống nhất mục tiêu dạy học cho tất cả các đối tượng HS, việc DHPH chỉ diễn ra ở một phần của chương trình. Sau khi HS đã học đủ một phần nội dung cốt lõi, hạt nhân, HS có thể chọn môn học hoặc lĩnh vực học tập mình ưa thích, có sở trường để học chuyên sâu theo phần chương trình và tài liệu riêng. Cách này tạo ra những phương án, kế hoạch dạy học khác nhau, nhưng sự khác biệt giữa các phương án không quá lớn. Đầu ra không khác xa nhau về chất lượng mà chỉ có sự khác biệt chủ yếu thể hiện trên nhu cầu và sở trường của HS.

- Dạy học phân hóa bộ phận: diễn ra ở cấp độ tổ chức hoạt động dạy học. HS học chung một chương trình và một tài liệu sách giáo khoa. Dựa trên tài liệu chung đó, GV vận dụng quan điểm dạy học tích cực, tạo cơ hội để HS được học tập với nhịp độ phát triển của cá nhân nhằm đạt hiệu quả học tập cao nhất. Đầu ra không khác xa nhau về chất lượng, chỉ có sự khác biệt về mức độ tiếp cận và giải quyết vấn đề của một bộ phận HS.

DHPH ở cấp vĩ mô được thể hiện thông qua cách tổ chức các loại trường, lớp khác nhau cho các đối tượng học sinh khác nhau. DHPH ở cấp vi mô được thể hiện thông qua việc tìm hiểu và thể hiện các phương pháp, kỹ thuật dạy học khác nhau sao cho mỗi học sinh hoặc mỗi nhóm học sinh thu được các kết quả học tập tốt nhất.

16

Ở cấp vĩ mô, tác giả Nguyễn Hữu Châu đưa ra các hình thức chủ yếu sau: - Phân ban: Đặc điểm của hình thức này là mỗi trường tổ chức dạy học theo một số ban đã được quy định trên phạm vi toàn quốc và được phân chia vào học các ban khác nhau tùy theo năng lực, hứng thú và nhu cầu. Phân hóa bằng hình thức phân ban có ưu điểm là thuận lợi về mặt quản lý (quản lý nội dung dạy học, tổ chức lớp học, tuyển chọn học sinh, đánh giá thi cử…) Tuy nhiên phân ban cũng có nhược điểm là kém mềm dẻo, khó đáp ứng được sự phân hóa hết sức đa dạng về năng lực, hứng thú và nhu cầu của các đối tượng học sinh khác nhau.

- Dạy học tự chọn: Đặc điểm của hình thức phân hóa này là các môn học và giáo trình được chia thành các môn học và giáo trình bắt buộc tạo thành chương trình cốt lõi cho mọi học sinh và nhóm các môn học và giáo trình tự chọn nhằm đáp ứng sự khác biệt về năng lực, hứng thú và nhu cầu học tập của các đối tượng học sinh khác nhau. Ưu điểm nổi bật của DHTC là khả năng phân hóa cao, có thể đáp ứng được những khác biệt hết sức đa dạng của HS, tạo điều kiện cho mọi HS đều được học tập phù hợp với năng lực, hứng thú và nhu cầu của mình. Tuy nhiên, hình thức này cũng bộc lộ một số nhược điểm lớn như học vấn cơ bản của HS dễ bị hạ thấp và thiếu hệ thống do tâm lý thích chọn những nội dung dễ, bỏ qua các nội dung khó của các môn học truyền thống quan trọng như toán, vật lý, hóa học…Đặc biệt hình thức phân hóa này đổi hỏi rất cao về năng lực quản lý cũng như trình độ của GV và trang thiết bị của nhà trường.

- Phân ban kết hợp với dạy học tự chọn: Đặc điểm của hình thức này là học sinh vừa được phân chia theo học các ban khác nhau, đồng thời học sinh được chọn một số môn học và giáo trình tự chọn ngoài phần nội dung học tập bắt buộc chung cho mỗi ban. Hình thức này cho phép tận dụng những ưu điểm và khắc phục được một phần những nhược điểm của hai hình thức phân hóa kể trên.

- Dạy học cá nhân: Yêu cầu phân hóa dạy học cao đã làm phát triển xu thế “Giáo dục hướng tới cá nhân” nhằm cung cấp cho người học nhiều hơn cơ hội lựa chọn việc học tập phù hợp với năng lực và nguyện vọng cá nhân để hoàn

17

thiện “cái tôi” của mỗi người, đồng thời, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của một xã hội phát triển.

Ở cấp vi mô, tác giả Nguyễn Bá Kim cho rằng: “Dạy học phân hóa xuất phát từ sự biện chứng của thống nhất và phân hóa, từ yêu cầu đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu dạy học đối với tất cả mọi học sinh, đồng thời khuyến khích phát triển tối đa và tối ưu những khả năng của cá nhân”, đó là phân hóa nội tại hay còn gọi là phân hóa trong, tức là dùng những biện pháp phân hóa thích hợp trong một lớp học thống nhất với cùng một kế hoạch học tập, cùng một chương trình và sách giáo khoa. [38,tr 256, 257]

Như vậy, DHPH như là một hướng đổi mới PPDH nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, phát huy tối đa sự trưởng thành của học sinh bằng cách đáp ứng nhu cầu của học sinh và giúp các em tiến bộ.

Các hình thức cơ bản của dạy học theo quan điểm DHPH:

- Phân hóa theo hứng thú của người học: căn cứ vào đặc điểm hứng thú học tập của HS để tổ chức cho người học tìm hiểu khám phá nhận thức.

- Phân hóa theo sự nhận thức của người học: Lấy sự phân biệt nhịp độ làm căn cứ phân hóa. Nhịp độ được tính bằng lượng thời gian chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác. Lớp học có nhiều nhịp độ, chẳng hạn như nhóm có nhịp độ nhận thức nhanh, nhóm có nhịp độ nhận thức trung bình, nhóm có nhịp độ nhận thức chậm.

- Phân hóa theo sức học của người học: Căn cứ vào trình độ học lực có thực của người học để có những tác động sư phạm phù hợp với người học. Dựa trên trình độ khá, trung bình, yếu mà GV giao cho HS những nhiệm vụ tương ứng

- Phân hóa giờ học theo động cơ, lợi ích học tập của người học: Với nhóm HS có nhu cầu tìm tòi, hiểu biết cao cần xác định nhiệm vụ học tập cao hơn và đưa thêm nhiều nội dung, tài liệu học tập cho HS tự học. Với nhóm HS có nhu cầu học tập không cao, lại phải chú ý đến nhiệm vụ, nội dung cơ bản và bổ sung những vấn đề thực tiễn giúp người học hào hứng học tập.

Để tổ chức DHPH thành công, người giáo viên cần tạo mối quan hệ dân chủ giữa thầy và trò, giữa trò và trò để giúp HS cởi mở, tự tin hơn

18

Trong khuôn khổ luận văn, người viết chỉ tập trung nghiên cứu định hướng phân hóa ở cấp độ vi mô (phân hóa nội tại), trong đó tập trung chủ yếu vào hai hình thức là phân hóa theo sức học (trình độ) và theo động cơ, lợi ích học tập của người học.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên huyện tân sơn phú thọ theo định hướng phân hóa (Trang 27 - 31)