Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo để thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền,

Một phần của tài liệu Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo việt nam hiện nay (Trang 84 - 87)

chủ quyền biển, đảo để thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa

Đảng ta với kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng giành độc lập, tự do và tiến hành hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước luôn thấu suốt quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để tạo nên nguồn lực to lớn của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng những nguồn lực ấy đã được phát huy cao độ, làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện thắng lợi sứ mệnh bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của bài học kinh nghiệm đó. Với điều kiện, đặc điểm của biển, đảo Việt Nam, lãnh thổ, độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình của đất nước không thể được toàn vẹn khi chủ quyền biển, đảo bị xâm phạm. Do vậy, nói đến bảo vệ Tổ quốc là nói đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển, đảo chính là thực hiện nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đối với công tác quốc phòng, an ninh Đại hội Đảng XII, Đảng ta xác định phương hướng, nhiệm vụ: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của

toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…”. [20, tr.149]

Đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển, đảo, Đảng ta khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.”[20, tr.147-148]

Trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại, để gắn quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta phù hợp với xu hướng hòa bình, hợp tác phát triển của các quốc gia, dân tộc, Đảng ta nhất quán đường lối đối ngoại với phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực; đồng thời Đảng xác định “Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.”

[17, tr.12]

Như vậy, về chủ trương, đường lối của Đảng đã thể hiện rất rõ quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại của thời đại để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong các lĩnh vực quan trọng của đất nước.

Trong Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” vấn đề kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để tạo nên nguồn lực to lớn bảo vệ Tổ quốclà tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của các nội dung nhiệm vụ khác.

Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 03/8/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu trên cũng thể chế và triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương nêu trên như “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế”, đồng thời Nghị quyết của Chính phủ xác định “Kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi co sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…” [17].

Do vậy, nhận thức và thực hiện chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để bảo vệ chủ quyền biển, đảo chính là sự vận dụng, thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thấu suốt tư tưởng nêu trên, Nhà nước ta trong quá trình ban hành và thực thi pháp luật đã thể chế những quan điểm, chủ trương chỉ đạo chiến lược của Đảng nêu trên bằng những hoạt động cụ thể. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; ban hành những đạo luật lớn như Luật Biên giới quốc gia – 2003, Luật Biển Việt Nam - 2012; đệ trình Liên hợp quốc những tài liệu về chủ quyền của vùng biển, đảo Việt Nam; ký kết nhiều văn bản quan trọng với các nước có liên quan về các vùng biển, đảo… Những hoạt động đó nhằm tích cực tham gia với cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.

Về giải quyết những vấn đề bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là: Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC), để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển, vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới.

Một phần của tài liệu Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo việt nam hiện nay (Trang 84 - 87)