Những vấn đề khách quan

Một phần của tài liệu Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo việt nam hiện nay (Trang 76 - 79)

Quá trình giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông có sự can dự của nhiều nước, nhiều bên liên quan, trong đó có các thế lực lớn về chính trị - kinh tế - quân sự chi phối quan hệ quốc tế.

Biển Đông với vai trò chiến lược về địa kinh tế - chính trị, không chỉ liên quan trực tiếp đến các nước, các bên có vùng biển tiếp giáp mà còn liên quan đến các nước lớn có lợi ích về hàng hải, hàng không như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ốt-trây-li-a, Ấn Độ… Phía sau các quan hệ đan xen đó là các quyền lợi và những toan tính trong các mục tiêu về quan hệ chính trị, quốc phòng, an ninh, những chiến lược nhằm khống chế không chỉ Biển Đông mà cả tuyến đường vận tải huyết mạch trên biển Bắc – Nam và khu vực Tây Nam Thái Bình Dương rộng lớn. Lịch sử đã chứng kiến những can dự và thỏa thuận, khi lấn tới, khi nhượng bộ lẫn nhau không phải là vì các nước nhỏ, mà chính là vì quyền lợi của các nước lớn.

Có chỗ đứng chân vững chắc tại Biển Đông, bao gồm trên các tuyến đảo hoặc tại các căn cứ quân sự của các quốc gia ven Biển Đông là điều mong muốn chiến lược của các nước có tham vọng lớn. Đặc biệt là các thế lực quốc tế muốn sử dụng Biển Đông làm bàn đạp để triển khai các lực lượng quân sự để tấn công hoặc phòng ngự, hoặc khống chế những tuyến đường vận tải có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế của các nước và khu vực. Do vậy, mọi vấn đề tranh chấp, hành động liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông đều dẫn đến các can thiệp của các nước, các thế lực theo hướng có lợi cho họ.

Với sức mạnh kinh tế, quân sự và thế lực trong quan hệ quốc tế, các quốc gia đó có thể kiềm chế lẫn nhau và làm hạn chế các hành động liều lĩnh để xâm phạm chủ quyền của các nước khác. Tuy nhiên, họ cũng có thể

thương lượng để chia sẻ các lợi ích với nhau và bên chịu thiệt hại, bị mất chủ quyền sẽ chính là các nước nhỏ. Khi các nước lớn đã “đi đêm” trong thương lượng và “ra tín hiệu” cho nhau, các cuộc chiến áp đặt không cân sức về lực lượng quân sự sẽ xảy ra. Thậm chí các nước lớn còn dùng thủ đoạn về nhiều mặt kinh tế, quân sự, ngoại giao để lôi kéo mua chuộc các nước nhỏ, các nước đang lệ thuộc hoặc khó khăn để có sự ủng hộ, hoặc im lặng, làm ngơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành động của họ.

Lịch sử của những năm trong thế kỷ XX đã cho thấy những bài học về sự thao túng, can thiệp hoặc “đi đêm” của các nước lớn về Biển Đông. Các vấn đề trên có xu hướng được tái diễn, chi phối tiêu cực nghiêm trọng đến quá trình giải quyết công bằng, hợp lý, hòa bình về các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông là một thực tế đáng quan ngại. Xử lý những vấn đề nêu trên một cách thiếu cẩn trọng, tham gia liên minh với nước này để phòng, chống nước kia hoặc nhượng bộ, thỏa hiệp vì các lợi ích trước mắt… đều có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cho các nước trong khu vực, nhất là các nước có biển, đảo trong vùng tranh chấp.

Bên cạnh đó, quá trình hợp tác, giải quyết tranh chấp bị cản trở bởi những tồn tại lịch sử, thực trạng chiếm đóng quân sự của nhiều nước và sự hạn chế về luật pháp quốc tế.

Trong những năm của thế kỷ XX, các cuộc chiến tranh và những biến động về thể chế, về quan hệ chính trị đã dẫn đến vấn đề tranh chấp, xác định, thừa kế về chủ quyền biển, đảo của các nước, các bên liên quan. Luật pháp quốc tế như Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 ra đời muộn với các quy ước mới cũng làm phát sinh nhiều vấn đề khác biệt về khái niệm, về các quyền… của các quốc gia, khiến cho các tranh chấp về pháp lý rất phức tạp. Việt Nam là đất nước bị chiến tranh kéo dài nhiều năm, việc kế thừa quá trình quản lý và làm chủ biển, đảo bị biến động, thay đổi cũng như việc gìn giữ,

củng cố các tài liệu pháp lý gặp khó khăn… Lợi dụng bối cảnh đó các nước trong khu vực như Trung Quốc, chính quyền Đài Loan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi- a… đã chiếm đóng vị trí mà trước đây họ chưa hề chiếm giữ tạo ra những hiện trạng phức tạp về chủ quyền trên các quần đảo và vùng biển liên quan.

Trong khi các thế lực khác như Trung Quốc luôn lợi dụng vào ảnh hưởng quốc gia với tiềm lực kinh tế lớn, vai trò trong Liên hiệp quốc… để chi phối các nước nhỏ, tạo áp lực với các quốc gia dân tộc khác; ngang nhiên, bành trướng, lấn chiếm, cải tạo bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế. Thậm chí Trung Quốc còn sử dụng nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền ngay cả ở những trung tâm kinh tế, chính trị thế giới, như Mỹ, Nga, các nước châu Á, châu Phi… nhằm lôi kéo, đổi trắng thay đen, tạo nhận thức có lợi cho việc tranh chấp của Trung Quốc.

Thực tiễn của vụ kiện của Phi-líp-pin với Trung Quốc tại Tòa Thường trực Tòa án quốc tế kéo dài từ 2013-2016 cho thấy mức độ phức tạp của sự tranh chấp. Trong khi Trung Quốc với tư cách của nước lớn nhưng không tham gia, không chấp nhận, không tuân thủ… dù có cả phán quyết của Tòa án quốc tế.

Trên thực địa, với những hoạt động đã diễn ra trong những thời điểm lịch sử có nhiều biến động, thay đổi trong quan hệ quốc tế; hiện trạng chiếm giữ và quản lý các đảo, quần đảo trên Biển Đông rất phức tạp. Hiện nay, Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bất chấp chúng ta chứng minh với thế giới những bằng chứng đầy đủ, rõ ràng; tại quần đảo Trường Sa chỉ trong mấy chục năm gần đây đã biến dạng không thể định hình trên bản đồ thế giới về chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia, vùng lãnh thổ. Gần đây, việc Trung Quốc đang ra sức cải tạo, bồi đắp các đảo nhân tạo và xây các căn cứ hạ tầng kỹ thuật – quân sự tại đây với âm mưu

chiếm giữ lâu dài, khống chế Biển Đông, để lại hình ảnh rất tương phản với hình ảnh của quốc gia văn minh, tiến bộ và hòa bình.

Nước Mỹ tuyên bố có quyền và lợi ích liên quan với Biển Đông và đang cố gắng chứng tỏ sức mạnh và khả năng ngăn chặn các hành động đi quá giới hạn của của Trung Quốc trên Biển Đông, tuy nhiên Mỹ là nước chưa tham gia ký Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS); mặt khác Mỹ cũng đang gặp một số khó khăn về nội tại và sa lầy trong các cuộc chiến dai dẳng ở Trung Đông… Thái độ và hành động của Mỹ trong quá khứ và hiện tại khiến nhiều nước do dự và thiếu niềm tin với sự cam kết và vai trò bảo đảm công lý của Mỹ trên Biển Đông.

Một số nước khác trong khu vực và quốc tế có quan hệ hợp tác hoặc mong muốn nương nhờ vào sự “hỗ trợ” của Trung Quốc nên làm ngơ hoặc vào hùa với các hành động vi phạm thô bạo luật pháp va các cam kết quốc tế của Trung Quốc cũng góp phần làm khó khăn thêm cho việc giải quyết các vấn đề nêu trên trong khuôn khổ luật pháp quốc tế…

Bối cảnh đó cho thấy cuộc đấu tranh trên thực địa và lĩnh vực pháp lý của người Việt Nam vì chủ quyền biển, đảo của mình chắc chắn sẽ là cuộc đấu tranh kiên trì trải qua các giai đoạn lâu dài, đầy khó khăn, gian khổ.

Một phần của tài liệu Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo việt nam hiện nay (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)