Những tham vọng và hành động của Trung Quốc nhằm tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Một phần của tài liệu Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo việt nam hiện nay (Trang 53 - 57)

chấp chủ quyền ở Biển Đông

Trung Quốc là một nước lớn của Châu Á và của thế giới xét về mọi mặt, cho dù thời gian ra đời và phát triển của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa còn sau nhiều nước lớn khác. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, tạo cho Trung Quốc tiềm lực nhất định để tham gia nhiều “sân chơi” của thế giới, bộc lộ các tham vọng bấy lâu chưa có điều kiện thực hiện. Mục tiêu cân bằng chiến lược với Mỹ cả về quyền lực toàn cầu lẫn ưu thế chiến lược lấn át tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành động lực cho Bắc Kinh trong quá trình tràn xuống phương Nam và Biển Đông.

Tham vọng khống chế Biển Đông của Trung Quốc đã hình thành từ những năm Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới ra đời. Chủ quyền “đường lưỡi bò” được mô tả trong bản đồ do chính phủ Trung Hoa dân quốc vẽ ra trong những năm đầu của thế kỷ XX là một thứ chủ quyền đầy ham muốn của họ. Trung Quốc tự quy các quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa và Trung Sa là thuộc về họ mà chưa bao giờ giải thích các cơ sở pháp lý của nó.

Khi những năm âm thầm phát triển với chiến lược “giấu mình chờ thời” đã qua, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động với tham vọng khống chế Biển Đông và các quần đảo tại đây. Chính vì vậy, các tranh chấp trên Biển Đông một lần nữa lại nóng lên với những diễn biến leo thang do chính sách sử dụng sức mạnh quân sự và sức ép chính trị của Trung Quốc để lấn át các

quốc gia Đông Nam Á nhỏ, yếu hơn. Đặc biệt là giai đoạn những nước có vai trò lớn như Mỹ, Nga đang vướng phải một số khó khăn và “sao nhãng” vùng biển quan trọng này, Trung Quốc đã tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và sẵn sàng dùng vũ lực quân sự để chiếm lấy vùng chủ quyền mà họ them muốn.

Đối với Việt Nam, từ những năm giữa thế kỷ XX và những năm tiếp theo Trung Quốc đã dùng vũ lực cướp đoạt và chiếm đóng Hoàng Sa, sau đó tháng 3/1988 Trung Quốc lại trắng trợn cướp một số đảo, bãi chìm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của nước ta. Trong những năm gần đây Trung Quốc không ngừng tăng cường quân sự hóa tại các khu vực nêu trên. Đồng thời phía Trung Quốc có liên tục có những hành động gây hấn với Việt Nam, Phi-lip-pin… như diễn tập quân sự, dùng các tàu quân sự, hải cảnh, kiểm ngư để khống chế ngư dân các nước hành nghề, đưa lực lượng dân quân của Trung Quốc xâm lấn trái phép các vùng biển tranh chấp… với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Tháng 5/2011 tàu ngư chính của Trung Quốc đã cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý; các tàu cá của Trung Quốc phá hoại cáp của tàu Viking II của Việt Nam ở khu vực lô 135-136, nằm trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, nhằm cản trở phía Việt Nam thực hiện các hoạt động khảo sát trên chính vùng biển của mình.

Về mặt pháp lý, tại Liên hiệp quốc, ngày 07/5/2009 Trung Quốc gửi công hàm và tuyên bố về đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông với bản đồ hình “lưỡi bò” bao phủ khoảng 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của năm nước là Việt Nam, Phi-líp- pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Bru-nây. Tuy nhiên, họ không có sự giải thích nào mang tính khoa học về cơ sở pháp lý và lịch sử của tuyên bố chủ quyền này.

Ngày 21/6/2012 Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và quần đảo Trung Sa với diện tích vùng biển trên 2 triệu km2… Tiếp theo việc mời thầu quốc tế các lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong các năm từ 2012, đến ngày 01/5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 và một số lượng lớn tàu hộ tống vào hoạt động tại khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý… vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hiệp quốc, Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982; đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… xâm phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với các vùng biển đã được xác định theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982; gây tổn hại đến quan hệ của hai nước.

Nghiêm trọng hơn là từ năm 2014, Trung Quốc đã ra sức tiến hành lấn chiếm, cải tạo tại 7 điểm đảo, bãi ngầm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực và thế giới. Đến nay, việc xây dựng trên đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven và đá Châu Viên về cơ bản đã hoàn thành; các bãi đá như đá Chữ Thập, đá Xu Bi, đá Vành Khăn… vẫn tiếp tục ráo riết triển khai. Dự kiến trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ hoàn thành công tác xây dựng trái phép trên các điểm trên, trong đó đá Chữ Thập sẽ được chính thức đưa vào sử dụng trong năm 2017.

Thực chất các công trình xây dựng trên các đảo nhân tạo này là các tổ hợp kỹ thuật – quân sự, có thể ứng dụng phục vụ mưu đồ khống chế Biển Đông. Không chỉ sử dụng vũ lực quân sự, Trung Quốc còn sử dụng các lực lượng Cảnh sát biển, chấp pháp biển và lực lượng dân binh từ các đội tàu đánh cá khổng lồ...tạo thành một hạm đội hỗn hợp, trong đó, Hải quân và Không quân Trung Quốc đóng vai trò nòng cốt.

Cùng với các hoạt động trên thực địa và chuẩn bị về pháp lý, Trung Quốc cũng thực thi nhiều hoạt động tuyên truyền đối với nội bộ nhân dân Trung Quốc và nhân dân các nước. Trung Quốc sử dụng các hình thức rất đa dạng như thông qua báo chí, xuất bản các loại ấn phẩm sách báo, tác phẩm nghệ thuật, khoa học, bản đồ và các tài liệu cho giáo dục học sinh, sinh viên, sử dụng rộng rãi các phương tiện truyền thông phổ biến khác. Trung Quốc đã cho lập ra một văn phòng đại diện của Đài Tiếng nói Vịnh Bắc Bộ ở Quảng Tây (cạnh Móng Cái – Quảng Ninh) để phục vụ cho công tác tuyên truyền, dùng nhiều thứ tiếng khác nhau như: tiếng Việt, tiếng Anh, Quan Thoại, Thái, Quảng Đông… xuyên tạc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và tuyên truyền về chính sách của Trung Quốc. Ngoài ra, các cơ quan thông tin đối ngoại, truyền thông của Trung Quốc còn hướng công tác tuyên truyền đến cộng đồng, người Hoa kiều ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế nói chung, thông qua Hoa kiều để tuyên truyền tới đông đảo cộng đồng nơi đông dân Hoa kiều sinh sống.

Thông qua con đường ngoại giao, Trung Quốc tích cực mở rộng công tác thông tin tuyên truyền tới nhiều đối tượng là các nước trên thế giới. Họ cũng dùng nhiều thủ đoạn để vận động, lôi kéo sự ủng hộ của các nước ngay trong khối ASEAN và các nước ở xa khu vực Biển Đông, nhất là các nước nghèo, đang cần sự hỗ trợ khiến cho các nước đó có cách nhìn nhận tình hình ở Biển Đông bị sai lệch, có lợi cho Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tháng 6/2016 công bố đã có “hơn 60 quốc gia” tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện của Phi-lip-pin lên Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (tại La-hay, Hà Lan) về vấn đề chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong việc việc phối hợp với Việt Nam và các nước ASEAN để thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, Trung Quốc một mặt rêu rao về thiện chí, một mặt phớt lờ các cam kết nêu trên; trì hoàn việc đàm phán để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)…

Trên diễn đàn pháp lý, sau ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố phán quyết bác bỏ tuyên bố về chủ quyền theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông và nhiều nội dung khác, Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng, tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa án nêu trên; lập tức tổ chức diễn tập Hải quân quy mô lớn trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam…

Hiện nay, Trung Quốc đang là nước triển khai nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại trên các căn cứ tại đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và ở Biển Đông. Các căn cứ bố phòng về cơ sở vật chất, kỹ thuật quân sự dành cho lực lượng không quân, hải quân và tên lửa trên các đảo nhân tạo trên Biển Đông vẫn đang được gấp rút hoàn thành. Các nhà lãnh đao quân sự Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đối đầu quân sự để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của họ trên Biển Đông.

Những việc làm vi phạm chủ quyền của các nước trên Biển Đông của phía Trung Quốc ngày càng tăng mức độ nghiêm trọng, bất chấp các quy định về luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông… thể hiện tham vọng bành trướng với thái độ hung hăng khiến tình hình trở nên căng thẳng, đe dọa đến hòa bình, an ninh khu vực và an ninh hàng hải quốc tế; đưa Biển Đông đang trở thành điểm nóng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Tình hình trên, trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, ảnh hưởng đến việc giữ gìn môi trường hòa bình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của chúng ta.

Một phần của tài liệu Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo việt nam hiện nay (Trang 53 - 57)