chủ quyền trên Biển Đông
Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong quá trình tìm kiếm một giải
pháp cơ bản, lâu dài cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hiệp quốc và các chuẩn mực quốc tế, trong đó có 5 nguyên tắc chung sống hòa bình; thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) sớm tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tranh chấp ở Biển Đông hết sức phức tạp có các tranh chấp liên quan đến hai nước như vấn đề quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc; có tranh chấp liên quan đến nhiều bên trong khu vực như quần đảo Trường Sa; có những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực như vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải…
Quan điểm của Việt Nam hết sức rõ ràng là những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương; những vấn đề liên quan đến nhiều nước thì bàn bạc giữa các bên liên quan. Trên tinh thần đó, Việt Nam tích cực chủ động thúc đẩy đàm phán với các nước láng giềng về các vấn đề trên biển. Trong giải quyết các vấn đề biển, đảo với Trung Quốc, Việt Nam kiên trì thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký tháng 10 năm 2011, trên cơ sơ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích của mình ở Biển Đông; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng quy định của Công ước quốc tế về Luật Biển – 2918 và tình hình thực tế của ta. Công khai hóa, minh bạch hóa về tranh chấp Biển Đông; đấu tranh kiên quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Mặt khác chúng ta nỗ lực phối hợp các hoạt động hợp tác với các bên ở khu vực tranh chấp phù hợp với pháp luật quốc tế,
phối hợp về an toàn biển, cứu hộ, cứu nạn, trên biển, phòng chống tội phạm, góp phần xây dựng lòng tin vì hòa bình, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải, hàng không và nỗ lực cùng các bên liên quan bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền của các nước qua lại Biển Đông phù hợp với Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982; đồng thời chúng ta hoan nghênh các nỗ lực và đóng góp của các nước vào sự an toàn, tự do hàng hải nêu trên. Chúng ta cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC, nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng COC đóng góp thiết thực vào việc giữ gìn hòa bình ổn định ở Biển Đông.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế (như đã nêu trên). Do vậy các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế…
Việc sử dụng các cơ cế tài phán quốc tế để giải quyết các tranh chấp là một biện pháp giải quyết tranh chấp văn minh và hòa bình, đã được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 giúp tránh được những xung đột có thể xảy ra và có thể đưa đến một giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận được. Đây cũng là một xu thế chung trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng trong nhiều năm qua. Việc Phi-líp-pin sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước Luật biển năm 1982 để giải quyết tranh chấp là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc chung lâu nay của ASEAN, Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và tinh thần của DOC.
Về việc Tòa trọng tài Thường trực đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016 về vụ kiện của Phi-lip-pin đối với đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra các phán quyết. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để có các tuyên bố đầy đủ, chính thức về việc này.