Cơ cấu danh mục thuốc trúng thầu theo thông tư 03/2019/TT-BYT

Một phần của tài liệu Phân tích kết quả đấu thầu và việc thực hiện kết quả trúng thầu thuốc tại bệnh viện tim hà nội năm 2019 (Trang 82 - 84)

Năm 2019, Bộ Y tế ban hành thông tư 03 quy định danh mục gồm 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng hiệu quả điều trị, giá cả hợp lý và khả năng cung ứng. Với những thuốc này, cơ sở khám chữa bệnh nên ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Đây cũng được coi là căn cứ cho các cơ sở khám chữa bệnh lựa chọn thay thế thuốc nhập khẩu bằng các thuốc sản xuất trong nước mà vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị. Số lượng thuốc trúng thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội thuộc thông tư 03 là 153/453 thuốc, trong đó có 79 thuốc là thuốc nhập khẩu chiếm hơn 50% số khoản mục và gần 80% về giá trị. Trong 79 thuốc này có 13 thuốc có thể thay thế bằng thuốc có cùng hoạt chất nồng độ hàm lượng, dạng bào chế trong danh mục trúng thầu của

72

Bệnh viện. Chi phí khi thay thế bằng thuốc sản xuất trong nước của 13 thuốc này tiết kiệm được hơn 4 tỷ đồng.

Trong số thuốc nhập khẩu thuộc thông tư 03 có 29 thuốc Biệt dược gốc, 46 thuốc nhóm 1, 03 thuốc nhóm 2 và 01 thuốc nhóm 5. Thông tư 15/2019 về đấu thầu mua thuốc của cơ sở y tế công lập có quy định thuốc đạt WHO-GMP thuộc thông tư 03 thì thuốc nhập khẩu không được chào vào nhóm 5 [13]. Vì vậy trong danh mục trúng thầu của Bệnh viện Tim Hà Nội có 01 thuốc thuộc thông tư 03 là thuốc nhập khẩu trúng thầu vào nhóm 5 là không đúng quy định, Bệnh viện cần chuyển nhóm thuốc này trong kế hoạch đấu thầu các năm tiếp theo và không xét trúng thầu đối với các trường hợp tương tự.

Đối với 29 thuốc Biệt dược và 46 thuốc nhóm 1 là thuốc nhập khẩu thuộc thông tư 03 cần cân nhắc chi phí điều trị trong lựa chọn thuốc. Có thể nhận thấy các thuốc chuyên khoa tim mạch, thuốc kháng sinh thuộc danh mục TT03 thực tế chưa chứng minh được hiệu quả điều trị cũng như độ an toàn, trong khi bệnh nhân tim mạch đặc biệt bệnh nhân có bệnh lý phức tạp đòi hỏi được dùng thuốc có hiệu quả điều trị rõ rệt. Mặt khác, khả năng cung ứng của các nhà sản xuất trong nước còn hạn chế, có thể trúng thầu nhưng không có hoặc không có đủ hàng cung ứng. Hơn nữa, các thuốc biệt dược gốc và thuốc có nguồn gốc các nước Châu Âu đã được biết đến từ lâu, có uy tín trên thị trường nên thường là lựa chọn ưu tiên trong kê đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó hầu hết thuốc nhập khẩu là do các công ty dược phẩm đa quốc gia sản xuất và phân phối. Những công ty này thường có các chính sách marketing, quảng cáo, thông tin thuốc hiệu quả, còn các cơ sở sản xuất thuốc trong nước lại thực hiện các hoạt động marketing, quảng cáo, thông tin thuốc chưa tốt khiến bác sĩ kê đơn, người sử dụng chưa tin tưởng sử dụng và chỉ định.

4.5. Nguyên nhân thuốc không trúng thầu

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thuốc không trúng thầu ở Bệnh viện Tim Hà Nội là không có nhà thầu chào thầu. Có 104/118 thuốc không có nhà

73

thầu chào thầu, chiếm tỷ lệ 88,14% trong tổng số các nguyên nhân. Cùng nguyên nhân này ở Sở y tế Hà Nội năm 2015 là 87,81% và Sở y tế Hòa Bình năm 2019 là 54,3% [8, 14]. Việc công khai giá kế hoạch trong hồ sơ mời thầu giúp cho tỷ lệ thuốc trượt thầu do chào thầu cao hơn giá kế hoạch giảm.

Trong 104 thuốc không có nhà thầu chào thầu có 33/104 thuốc có giá trị kế hoạch dưới 2 triệu, 23/104 thuốc có giá trị kế hoạch từ 2-10 triệu. Số lượng kế hoạch thấp, giá trị kinh doanh không cao, không tương xứng với công sức bỏ ra để làm hồ sơ thầu cũng như cung ứng thuốc khi trúng thầu; Giá kế hoạch thấp hơn so với giá trị thực của thuốc (do tăng giá thuốc do tăng chi phí trong quá trình sản xuất, nhập khẩu sau khi xây dựng giá kế hoạch của thuốc). Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến không có nhà thầu chào thầu các thuốc này. Có thể đánh giá chủ quan đây là một hệ lụy của việc phân chia danh mục thuốc thành hai phần: một phần đấu thầu tập trung và một phần bệnh viện tự đấu thầu riêng lẻ. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội năm 2019 danh mục gồm 26 thuốc đấu thầu tập trung Quốc gia, 30 thuốc đấu thầu tập trung Bảo hiểm xã hội, 73 thuốc đấu thầu tập trung Sở y tế, các thuốc còn lại ngoài danh mục nêu trên Bệnh viện sẽ tự tổ chức đấu thầu riêng lẻ. Với phần danh mục Bệnh viện tự tổ chức đấu thầu số lượng danh mục lớn nhưng có những thuốc nhu cầu sử dụng của Bệnh viện không nhiều vì vậy giá trị kế hoạch thấp nên khả năng vỡ thầu đối với các thuốc này là cao. Hơn nữa, việc chia nhỏ danh mục theo các hình thức đấu thầu dẫn đến việc theo dõi kết quả thầu gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến việc có sự chồng chéo danh mục giữa đấu thầu Quốc gia, đấu thầu Bảo hiểm xã hội, đấu thầu Sở y tế mà không có sự thống nhất giá cho cùng một thuốc ở các danh mục.

Một phần của tài liệu Phân tích kết quả đấu thầu và việc thực hiện kết quả trúng thầu thuốc tại bệnh viện tim hà nội năm 2019 (Trang 82 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)