5.2.1. Cơ hội
Từ các kết quả có được sau khi phân tích định lượng, tác giả nhận thấy hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng hiệu quả hoạt động của mình. Dựa trên các hoạt động của ngân hàng thương mại, có thể thấy được các cơ hội ở nhiều khía cạnh như sau:
Thứ nhất, cơ hội về tăng trưởng tín dụng. Kể từ trước năm 2008, tín dụng của Việt Nam luôn tăng trưởng cao, điều đó đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, lạm phát trong giai đoạn này lại khá cao, một phần do nguyên nhân tăng cung tiền. Tuy nhiên, kể từ năm 2008, do những lo ngại từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách tài khóa đã mở rộng, đi cùng với đó là sự thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ nên tăng trưởng tín dụng đã chậm lại cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, lạm phát lại có xu hướng gia tăng, điều đó cho thấy nguyên nhân tiền tệ gây ra lạm phát rất mờ nhạt. Cho đến nay, tín dụng trong nền kinh tế tăng trưởng thấp, nền kinh tế có thể rơi vào “giảm phát”, do vậy, chính sách tiền tệđã có xu hướng nới lỏng hơn, NHNN kiên định giảm trần lãi suất huy động nhằm mục tiêu giảm lãi suất cho vay để kích thích sản xuất phát triển.
Xuất phát từ bối cảnh kinh tế của Việt Nam, tiến trình tái cơ cấu kinh tếđược tiến hành đúng lúc. Mức cung tiền (M2) trong nền kinh tế có thểđược điều chỉnh tăng lên, điều này sẽ tạo điều kiện cho các NHTM gia tăng cho vay đầu ra, thúc đẩy khả năng hút dòng vốn chảy vào tương ứng, đồng thời phần nào đó đã tạo điều kiện cho người đi vay có khả năng kinh doanh tiếp để trả nợ, hạn chếđối với các đối tượng đi vay trước đây mất khả năng thanh toán cho ngân hàng, như các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán...
Thứ hai, cơ hội trong hoạt động huy động vốn của các NHTM tăng trưởng mạnh góp phần mở rộng hoạt động đầu tư và cho vay. Hệ thống ngân hàng đã huy động và cung cấp một lượng vốn khá lớn cho nền kinh tế, ước tính hàng năm chiếm khoảng 16- 18% GDP, gần 50% vốn đầu tư toàn xã hội. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn qua các năm ở mức 22 - 47%.
Từ tăng trưởng trong huy động vốn đã góp phần mở rộng hoạt động đầu tư và cho vay. Mức huy động vốn cao, góp phần vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng ngày càng hiệu quả. Ngoài ra, cơ cấu dư nợ toàn ngành ngân hàng đã gắn với chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và NHNN, cơ cấu cho vay phi sản xuất có dấu hiệu giảm kể từ sau năm 2010, cụ thể năm 2010 là 20,05%, và cuối tháng 9/2011 là 15,36%, thấp hơn mức 16% mà NHNN quy định.
Thứ ba, các ngân hàng ngày càng đa dạng sản phẩm, dịch vụ của mình. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như tiền gửi và cho vay, đã xuất hiện nhiều sản phẩm mới có nhiều tiện ích cho khách hàng như: tăng tiện ích của tài khoản cá nhân, phát triển dịch vụ thẻ, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại như internet banking, phone banking…Hoạt động huy động vốn ngày càng đa dạng hơn về hình thức để người gửi tiền có nhiều lựa chọn có lợi cho mình nhất. Ngoài các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cố định truyền thống, các ngân hàng còn đưa ra các sản phẩm tiền gửi được hưởng lãi suất biến động theo tỷ lệ lạm phát, đảm bảo giá trị theo vàng, được bù chênh lệch tỷ giá… Đặc biệt, dịch vụ thanh toán thẻ đã có sự phát triển bùng nổ. Nhiều sản phẩm thẻđa tiện ích đã được giới thiệu tới khách hàng và thanh toán bằng thẻ ATM đã trở nên khá phổ biến tại các tỉnh, thành phố lớn.