Theo “Cha đẻ marketing thế giới” Philip Kotler, trong kinh doanh, thu hút được khách hàng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải giữ được họ. Du lịch Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đang được xem là điểm đến hấp dẫn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hơn 70% khách du lịch đã đến Việt Nam không có ý định quay trở lại lần hai là một thực tế đáng lo ngại cho ngành Du lịch Việt Nam. Mặc dù mỗi năm Tổng cục Du lịch chi hàng tỷ đồng cho việc quảng bá du lịch nhưng hiện tại du lịch Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn đối với các du khách nước ngoài vì chưa có sự đầu tư, quảng bá bài bản.
Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp, được thiên nhiên ưu đãi hơn nhiều nước, nhưng thế giới vẫn chưa biết nhiều đến Việt Nam. Các nước trong khu vực ASEAN đều định vị được sản phẩm du lịch thế mạnh của mình . Thương hiệu du lịch của Singapore là du lịch đô thị; Malaysia là điểm mua sắm, biển; Thái Lan là spa, nghỉ dưỡng… Riêng Việt Nam vẫn là cái gì đó còn “tiềm ẩn” như đúng câu slogan “Viet Nam – the hidden charm”. Khách du lịch không muốn đi đến một nơi mà họ không có nhiều thông tin về nó nên sẽ chọn điểm
đến có nhiều thông tin hơn. Thay vì đến Việt Nam, họ sẽ đến Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines vì hình ảnh du lịch của các nước đã được quảng bá rất tốt trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Không chỉ thua trong việc quảng bá trên các kênh truyền hình quốc tế mà ngay việc tiếp thị trên Internet, du lịch Việt Nam cũng không bằng các nước trong khu vực. Phần lớn người Hàn Quốc tìm hiểu thông tin du lịch qua Internet. Việt Nam đang là điểm đến của khách du lịch Hàn Quốc đứng thứ 3 trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan và Philippines. Nhưng vẫn chưa có một trang web quảng bá du lịch nào của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam giới thiệu bằng tiếng Hàn. Nguyên nhân là hầu hết doanh nghiệp lữ hành quốc tế Việt Nam chưa trực tiếp khai thác, thu hút được khách du lịch quốc tế, ít nghiên cứu, tiếp cận và thâm nhập thị trường nước ngoài. Tính chủ động, năng động trong hoạt động marketing, quảng cáo của các doanh nghiệp lữ hành còn nhiều yếu kém.
Thế mạnh của nhiều doanh nghiệp ít được phát huy do chiến lược quảng bá thiếu chuyên nghiệp. Theo thống kê, trong số 700 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hiện chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp có khả năng đón trên 20 nghìn khách quốc tế/năm.[10]
Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành quốc tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều doanh nghiệp chỉ đón được vài trăm khách /năm và các doanh nghiệp này cạnh tranh theo kiểu mạnh ai nấy làm. Tình trạng này dẫn đến nhiều doanh nghiệp cạnh tranh phá giá theo kiểu giảm chất lượng dịch vụ và ít khi có cùng tiếng nói chung trong các chiến dịch quảng bá lớn.
Số lượng các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đầu tư cho marketing, xúc tiến quảng quá như tham gia hội chợ quốc tế và khu vực chưa nhiều. Hiện chỉ có khoảng 10 - 15% doanh nghiệp lữ hành quốc tế tham dự từ 1 hội chợ quốc tế/năm trở lên và cũng chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyên kinh doanh khách inbound và đây chính là những doanh nghiệp chủ
chốt đưa khách đến Việt Nam.[10]
Điều này một mặt làm cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kém hiệu quả mặt khác nó cũng gây không ít khó khăn cho việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam như là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam mấy năm về trước, một số công ty lữ hành cũng đã áp dụng chiến lược thuê người nước ngoài làm quảng bá như: Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Công ty Du lịch Dịch vụ Bến Thành, tuy nhiên hiệu quả chỉ dừng lại ở những công ty đơn lẻ.