8. Kết cấu của luận văn
3.2.1 Giải pháp về đầu tư cho giáo dục đào tạo
Với tình hình thực tế, thành phố Châu Đốc đang thiếu hụt về cơ sở trường lớp đào tạo nghề cho lao động ngành du lịch, chính vì vậy đầu tư cho các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn đang là vấn đề cấp bách hiện nay mà thành phố Châu Đốc cần phải triển khai kế hoạch thực hiện.
Chăm lo, phát huy, bồi dưỡng nguồn lực con người là bộ phận quan trọng nhất trong chiến lược con người, là nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp giáo dục nước ta trong những năm tới, nhằm tạo ra những điều kiện cơ bản để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Giáo dục đào tạo là một khái niệm rộng phải làm sao cho nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực cho thành phố Châu Đốc nói riêng kế thừa, phát huy và nâng cao những truyền thống tốt đẹp bản sắc dân tộc. Cải tạo, biến đổi hay xóa bỏ những truyền thống tiêu cực, hạn chế, phản ánh tính lỗi thời, bảo thủ, trì trệ.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế chung cho hoạt động dạy nghề và học nghề du lịch. Cho phép mọi cá nhân, doanh nghiệp, công ty được mở các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Gắn các trường lớp đào tạo với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch và các trung tâm giới thiệu việc làm một cách có hệ thống.
Có quy định trả phí đào tạo đối với người sử dụng các lao động được đào tạo (trả cho trường lớp đào tạo nếu nhận từ trường, lớp, trả cho chủ sử dụng cũ nếu là chuyển nhượng lao động).
3.2.1.1 Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn
Để đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao, phải tập trung nguồn lực để xây dựng nâng cấp một số cơ sở giáo dục, đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế; xây dựng hệ thống trường phổ thông chất lượng cao làm nền tảng; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề chất lượng cao. Đồng thời liên doanh, liên kết xây dựng các cơ sở đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề trong tỉnh An Giang, kể cả cơ sở 100% vốn nước ngoài để hình thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước.
62
Chú trọng đào tạo giáo viên dạy nghề du lịch có năng lực và trình độ sư phạm nghề du lịch vững vàng. Giáo viên dạy nghề du lịch hiện nay đang rất thiếu, để đáp ứng được số lượng giáo viên dạy nghề, cần phải có chính sách thu hút vào sư phạm nghề, đồng thời có tính chất đặc thù, ưu đãi nhằm thu hút giáo viên ở các trường khác hoặc các doanh nghiệp hợp tác tham gia dạy nghề.
Nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên thông qua việc tổ chức bồi dưỡng cho những giáo viên chưa đạt chuẩn, hoặc những giáo viên có nhu cầu nâng cao trình độ nghiệp vụ dưới các hình thức: mở lớp đào tạo tập trung tại Trung tâm, gửi đến tại các trường Đại học, Cao đẳng, các doanh nghiệp du lịch, hoặc ra nước ngoài tu nghiệp, tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệp đào tạo nghề du lịch cho đội ngũ giáo viên.
Khuyến khích đội ngũ giáo viên đẩy mạnh các hoạt động thâm nhập thực tế, thực hiện các hoạt động tư vấn doanh nghiệp để vừa giải quyết vấn đề về thực tiễn vừa rèn luyện đội ngũ về kiến thức, phát triển phương pháp đào tạo có hiệu quả và vừa nắm bắt được nhu cầu đào tạo theo địa chỉ.
Đầu tư đổi mới chất lượng hệ thống giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, văn hóa xã hội, lịch sử mà chủ yếu là lịch sử tại địa phương là quyết sách quan trọng. Công việc này phải bắt đầu từ quyết tâm xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng cao cho các cấp học. Tôn vinh và bảo vệ người tài, đề cao những phát minh sáng chế có giá trị góp phần vào sự phát triển về du lịch của địa phương.
Thành phố Châu Đốc cần phải sớm đầu tư xây dựng các phòng học chuyên môn giả định về du lịch (phòng giả định khách sạn cao cấp, phòng bếp, nhà hàng) để các em sinh viên có nhiều giờ thực hành và trãi nghiệm giống với thực tế nhất.
Quy định rõ trình độ và tay nghề của các giáo viên dạy nghề, tương ứng với các nghề và cấp nghề đào tạo. Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định này ở các trường, trung tâm dạy nghề. Đổi mới trang thiết bị dạy nghề, phương pháp truyền nghề, dạy nghề học nghề của các nước khu vực và quốc tế.
Đảm bảo ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo hàng năm bằng mức bình quân cả nước trở lên; thực hiện tốt xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực.
63
3.2.1.2 Tăng cường phát triển lĩnh vực đào tạo nghề
a/ Dự báo nhu cầu về học nghề:
Dự kiến tăng dân số trung bình giai đoạn giai đoạn 2016 - 2020 là 1,05% /năm, giai đoạn 2021 - 2025 là 1% /năm.
Nguồn khách du lịch đến Châu Đốc luôn tăng trưởng trên 5%/ năm, tổng lượt khách ước đến tham quan trong năm 2017 khoảng trên 4,7 triệu lượt. Tuy nhiên lượng khách lưu trú qua đêm đạt chưa đến 10%. Nếu chúng ta có các giải pháp, có các sản phẩm du lịch nhằm thu hút lượng khách lưu trú lại tại thành phố thì đây chính là nguồn thu khổng lồ mà ngành du lịch sẽ mang lại cho nền kinh tế của thành phố, cũng như là một tiềm năng to lớn trong việc giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên đây cũng chính là một thách thức rất lớn trong việc đào tạo nghề cho đội ngũ lao động trực tiếp và gián tiếp phục vụ cho du lịch.
Trong năm 2017 với số lượng 4.763 lao động làm việc tại các điểm dịch vụ lưu trú và ăn uống, tuy nhiên cũng trong năm 2017, trường Trung cấp nghề Châu Đốc chỉ đào tạo nghề ngắn hạn cho 105 học viên theo học các nghề phục vụ cho ngành du lịch (Chi cục thống kê thành phố Châu Đốc, 2017) (Trường Trung cấp nghề thành phố Châu Đốc, 2015, 2016, 2017).
Nguồn nhân lực đang làm việc trong các điểm dịch vụ lưu trú và ăn uống phục vụ cho du lịch của thành phố dự kiến giai đoạn 2020 - 2025 tốc độ tăng bình quân 2% /năm, đạt khoảng 5.500 lao động.
Ngoài ra với các dự án du lịch đang được đầu tư, khai thác và các dự án đang được mời gọi đầu tư, dự kiến giai đoạn 2020 – 2025 cũng sẽ thu hút trên 1000 lao động.
Có thể dễ dàng nhận thấy, số lượng đào tạo nghề phục vụ du lịch đạt chưa tới 10% so với thực tế và nhu cầu về học nghề du lịch đang rất lớn.
b/ Các cơ sở đào tạo và năng lực đào tạo nghề:
Với thực tại ở Châu Đốc chỉ có 01 trường Trung cấp nghề Châu Đốc và 01 Trung tâm giới thiệu việc làm thì Ủy ban nhân dân thành phố Châu Đốc cần sớm có kế hoạch hợp tác liên doanh, liên kết xây dựng các cơ sở đào tạo đại học, trung học chuyên
64
nghiệp, trung cấp nghề ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn, (cần chú trọng các trường có khoa du lịch) song song đó đến năm 2025 Châu Đốc cần phải sớm đầu tư thêm ít nhất 02 Trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Khai thác khả năng và cơ sở vật chất hiện có của trường đào tạo nghề, các trung tâm liên kết của thành phố đối với các trường đại học lâu nay đang đào tạo. Gắn kết việc đào tạo một cách thiết thực tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Châu Đốc có thể liên kết với các trường sau đây:
- Trường Đại học Du lịch Sài Gòn, với các ngành học về du lịch như: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch, các lớp ngoại ngữ (tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh).
- Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, với các ngành học về du lịch như: ngành Hướng dẫn du lịch, ngành Quản lý khách sạn, ngành Quản lý nhà hàng, ngành Chế biến món ăn, ngoài ra trường còn đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.
- Trung cấp Kinh Tế - Du lịch Hồ Chí Minh, với các ngành học về du lịch như: Quản trị nhà hàng khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật làm bánh, kỹ thuật pha chế đồ uống.
- Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, có năng lực đào tạo nghiệp vụ và cấp chứng chỉ du lịch với các nghiệp vụ như: Quản lý khách sạn, Bếp, phục vụ bàn, phục vụ phòng, quản lý lữ hành, kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách hàng.
c/ Chương trình và thời gian đào tạo nghề:
Du lịch là một ngành kinh tế đòi hỏi có sự giao tiếp rộng và trực tiếp đối với khách, đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, phong cách và thái độ giao tiếp của cán bộ, nhân viên trong ngành, đặc biệt là hướng dẫn viên, lễ tân và cả cộng đồng của địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động ngành du lịch thành phố Châu Đốc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ du lịch của du khách ngày càng nâng cao. Yêu cầu trong thời gian tới, ngành du lịch nói chung, từng doanh nghiệp du lịch phải có chương trình đào tạo toàn diện với những kế hoạch cụ thể về: đào tạo lại, bổ túc, đầu tư đào tạo mới lớp cán bộ thay thế. Đảm bảo
65
trong 5 năm tới không có cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực mà không qua trường lớp. Có kế hoạch liên kết với các tỉnh, thành phố tổ chức đào tạo nghiệp vụ "Du lịch" để đáp ứng nhu cầu đào tạo trình độ nghiệp vụ du lịch phù hợp với phát triển du lịch của thành phố Châu Đốc, có thể tham khảo chương trình và thời gian đào tạo nghề của các trường sau đây:
- Trường Đại học Du lịch Sài Gòn, thời gian đào tạo hệ Trung cấp là 2 năm, hệ Cao đẳng là 3 năm và hệ Đại học là 4 năm, với chương trình đạo tạo 2/3 chương trình là thực hành, được thực tập thực tế tại các doanh nghiệp, sinh viên được trang bị các kỹ năng chuyên sâu như: kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, và giúp sinh viên hoàn thiện về tay nghề, năng lực và kỹ năng mềm để tự tin hòa nhập môi trường làm việc đa lĩnh vực, đa văn hóa.
- Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, với thời gian đào tạo từ 1 đến 2 năm, sinh viên được trang bị các kỹ năng như: tự Thiết kế được chương trình du lịch, Quảng bá, xúc tiến bán chương trình du lịch, Thuyết minh được tại điểm du lịch và trên các phương tiện giao thông, Giải quyết được các tình huống trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình du lịch.
- Trung cấp Kinh Tế - Du lịch Hồ Chí Minh, thời gian đào tạo từ 1 đến 3 năm với chương trình đào tạo cho sinh viên kỹ năng nghiệp vụ nghề, nghiệp vụ quản trị và kiến thức quản lý ngành nhà hàng khách sạn chuyên sâu mang tính ứng dụng cao và đáp ứng các yêu cầu thực tế, chương trình học bám sát thực tiễn, mang tính ứng dụng cao và chú trọng thực hành sẽ trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức và những kỹ năng nghiệp vụ vững chắc.
- Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, thời gian đào tạo bậc Cao đẳng 3 năm đối với các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị Lữ hành và Hướng dẫn du lịch; bậc Trung cấp 2 năm đối với các ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng; bậc sơ cấp nghề 3 tháng với các ngành lễ tân khách sạn, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ phòng, bartender, bếp Âu Á, bếp Việt Nam và nghiệp vụ hướng dẫn viên cấp thẻ. Chương trình đào tạo được thiết kế đặc biệt với thời lượng ngắn, nội dung cô đọng và phương pháp đào tạo
66
thực hành chiếm 70% thời lượng sẽ giúp nhân sự tại các đơn vị cải thiện và chất lượng làm việc.
Châu Đốc cần điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện đồng bộ chương trình đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với thực tiễn, xác định rõ hàm lượng các phần học lý thuyết cơ bản, các kỹ năng tác nghiệp, thực hành phong phú và phương pháp truyền tải thích hợp ở các cấp độ đào tạo.
Đưa trường lớp dạy nghề về gắn khu dân cư. Phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Châu Đốc phải có 4 trung tâm dạy nghề. Đây là một hoạt động thiết thực không chỉ nâng cao trình độ nghề nghiệp mà còn giải quyết tốt nguồn lao động tại chỗ.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề mà nhất là đào tạo nghề phục vụ cho du lịch là một giải pháp quan trọng mà thành phố Châu Đốc cần phải có giải pháp sớm triển khai thực hiện. Để làm được việc này ngân sách dành cho đào tạo cần tập trung ưu tiên cho trường nghề phục vụ cho du lịch để thực hiện đào tạo dài hạn là chủ yếu những lao động có tay nghề cao đáp ứng được thị hiếu đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch trong và ngoài nước.