Có nhiều phương pháp đánh giá kết quả học tập môn Tiếng Việt của học sinh theo định hướng phát triển năng lực:
- Phương pháp kiểm tra vấn đáp
Đó là phương pháp giáo viên tổ chức hỏi và đáp giữa giáo viên và học sinh qua đó thu được thông tin về KQHT môn Tiếng Việtcủa học sinh sau một giai đoạn họctập nhất định.
Phương pháp kiểm tra vấn đáp thường được sử dụng để đánh giá các mục tiêu về kiến thức, các năng lực tư duy bậc cao của học sinh. Qua việc tiếp xúc trực tiếp với người học, phương pháp này còn giúp giáo viên đánh giá thái độ của các em. Cũng có thể sử dụng phương pháp này để đánh giá một số kĩ năng thực hành của học sinh nhưng không nhiều.
- Phương pháp kiểm tra viết
Đó là phương pháp kiểm tra đánh giá mà trong đó học sinh viết các câu trả lời cho các câu hỏi hoặc vấn đề vào giấy. Các bài viết của học sinh sẽ là căn cứ để giáo viên đánh giá mức độ về thành tích học tập của họ.
Đây là phương pháp kiểm tra kiểu truyền thống với hai hình thức kiểm tra phổ biến là tự luận và trắc nghiệm khách quan. Hình thức trắc nghiệm khách quan được sử dụng rất tốt để đánh giá cho các mục tiêu về kiến thức nhưng lại bị hạn chế để đánh giá các mục tiêu khác. Còn tự luận là hình thức có ưu thế rất lớn để đánh giá cho mục tiêu kiến thức và mục tiêu kĩ năng tư duy bậc cao.
- Phương pháp kiểm tra thực hành
Đó là phương pháp kiểm tra mà giáo viên tổ chức cho học sinh tiến hành các hoạt động thực tiễn, qua đó thu được những thông tin về kĩ năng thực hành của học sinh. Phương pháp kiểm tra thực hành thường dùng để đánh giá các kĩ năng của học sinh. Hệ thống kĩ năng của môn học rất phong phú, đa dạng với ba dạng thể hiện chính là nói, viết và hoạt động thực hành. Tùy theo nội dung môn học, tùy vào mục tiêu đánh giá mà có thể sử dụng phương pháp này để đánh giá các kĩ năng như thuyết trình, làm việc nhóm hoặc các kĩ năng vận dụng của học sinh. Việc đánh giá các kĩ năng này thường được thực hiện thông qua đánh giá các sản phẩm hay quá trình thực hiện hoạt động của học sinh. Phương pháp này đánh giá rất tốt cho mục tiêu về kĩ năng, đồng thời qua kĩ năng làm việc cũng như sản phẩm mà người học làm ra có thể đánh giá được về kiến thức cũng như năng lực tư duy và thái độ của người học.
- Phương pháp quan sát
Quan sát là phương pháp thu thập thông tin về đối tượng quan sát bằng cách tri giác trực tiếp đối tượng và các nhân tố kháccó liên quan đến đối tượng.
Đây là phương pháp rất có ưu thế trong đánh giá thái độ học tập của học sinh. Phương pháp này cũng thường dùng để đánh giá quá trình hoạt động hoặc các sản phẩm do học sinh làm ra. Tuy nhiên để đánh giá kiến thức hay các kĩ năng tư duy của người học lại không phải là thế mạnh của phương pháp này.
- Tự đánh giá
Tự đánh giá là việc người học tham gia đánh giá KQHT đạt được của chính bản thân mình dựa trên các tiêu chí do giáo viên nêu ra. Tự đánh giá giúp người học hiểu rõ những gì đã đạt được, đã tiến bộ, những gì cần cố gắng và rèn luyện cho họ cách tự học.
- Đánh giá đồng đẳng
Đánh giá đồng đẳng là người học tham gia vào việc đánh giá sản phẩm và công việc của những bạn học khác dựa trên các tiêu chí xác định. Qua việc này người học có thể học hỏi những điểm tốt hay hoặc rút kinh nghiệm từ những điểm chưa tốt của bạn, từ đó điều chỉnh hoạt động học tập của bản thân.
1.3.7. Các lực lượng tham gia đánh giá kết quả học tập môn Tiếng Việt theo định hướng phát triển năng lực học sinh ởtrường tiểu học