IV. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐẾN NĂM
4.3 Nhiệm vụ và giải pháp
Với quan điểm chỉ đạo và mục tiêu đã được xác định, Chiến lược đặt ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp về: chính sách pháp luật; quản lý nhà nước; tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ; hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu trí tuệ; bảo vệ quyền; nguồn nhân lực; văn hóa sở hữu trí tuệ và hội nhập quốc tế.
a. Nhóm giải pháp về chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ phải khắc phục những hạn chế về tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành, đồng thời đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các chủ thể liên quan, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sở hữu trí tuệ, cụ thể là:
- Rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên để hoàn thiện tổng thể hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trong xã hội, phù hợp với các mục tiêu phát triển của đất nước; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ. Bổ sung quy định pháp luật để bảo hộ các loại đối tượng sở hữu trí tuệ mới cũng như các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đáp ứng kịp thời với sự phát triển của khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
- Hoàn thiện các quy định pháp luật xác định nội dung và cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với từng nhóm đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
- Hoàn thiện các quy định pháp luật để giải quyết một cách thỏa đáng mối quan hệ về bảo hộ sáng chế và bảo vệ lợi ích cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và nông hóa phẩm; giải quyết hợp lý mối quan hệ về lợi ích giữa các nhà cung cấp nguồn tài nguyên sinh học, các nhà tạo giống, các nhà sản xuất và các nhà kinh doanh, chú ý đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nông dân.
- Đưa nội dung tăng cường tạo ra, bảo hộ, sử dụng tài sản trí tuệ trở thành một trong các giải pháp để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi ngành, địa phương và cả quốc gia. Ban hành cơ chế, chính sách
đặc thù, các công cụ hỗ trợ về sở hữu trí tuệ trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên phát triển.
- Hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích tạo ra, khai thác và thương mại hóa sản phẩm, quy trình công nghệ và sản phẩm văn hóa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo định hướng nhu cầu thị trường trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Từng bước hình thành và phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ.
- Kịp thời điều chỉnh chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại quốc tế trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp; khuyến khích đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ thông qua việc bảo hộ, mua bán, chuyển giao quyển sử dụng và nhượng quyền thương mại. Xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.
- Đưa sở hữu trí tuệ và tài sản trí tuệ vào thành các chỉ tiêu thống kê quốc gia và của các ngành. Ban hành các quy chuẩn thống nhất trong việc định giá cũng như các hoạt động kế toán, kiểm toán tài sản trí tuệ.
- Hoàn thiện các quy định pháp luật để hệ thống các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan hoạt động có hiệu quả, minh bạch.
b. Nhóm giải pháp về quản lý nhà nước cần hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động và cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, bao gồm:
- Cải cách hệ thống quản lý hành chính nhà nước về sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong việc quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, chú trọng đến cơ chế phối hợp quản lý thống nhất và hiệu quả đối với các sản phẩm có tiềm năng phát triển.
- Thiết lập đầu mối quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong các bộ, ngành. Củng cố các cơ quan chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan đầu mối với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
- Rà soát, đánh giá toàn diện về các dịch vụ công về sở hữu trí tuệ để sắp xếp và hoàn thiện theo hướng chuyển dần một số công đoạn dịch vụ hoặc dịch vụ cho các tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
- Rà soát, đánh giá quy trình xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp để cải tiến hoạt động này theo hướng đơn giản hóa và đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực nhằm cải thiện công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, kịp thời và hiệu quả.
c. Nhóm giải pháp về thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là một trong số các nhóm giải pháp quan trọng tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần đạt mục tiêu gia tăng cả về số lượng và chất lượng các đối tượng đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của người Việt Nam, bao gồm:
- Thiết lập cơ chế định hướng thị trường trong việc tạo ra tài sản trí tuệ trên cơ sở mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đóng vai trò chính trong việc tạo lập và sử dụng tài sản trí tuệ, khuyến khích đầu tư sản xuất hàng hóa có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao, trong đó có việc thực hiện cơ chế phân bổ nguồn lực của Nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và phát triển theo hướng dựa trên đặt hàng của doanh nghiệp.
- Xây dựng cơ chế định hướng chính sách sở hữu trí tuệ trong hoạt động khoa học và công nghệ. Đưa chỉ số về sở hữu trí tuệ thành tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
- Lựa chọn một số ngành, lĩnh vực trọng điểm để tập trung đầu tư nhằm tạo ra các tài sản trí tuệ có giá trị cao và được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung.
- Hoàn thiện cơ chế phân chia lợi ích giữa các nhóm chủ thể liên quan đến kết quả sáng tạo, đặc biệt là các kết quả được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Đẩy mạnh hoạt động phân tích thông tin sáng chế và dự báo xu hướng phát triển công nghệ để định hướng cho hoạt động nghiên cứu – triển khai và phát triển công nghệ.
d. Nhóm giải pháp về khuyến khích và nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ sẽ góp phần khắc phục những vướng mắc trong khai thác tài sản trí tuệ ở Việt Nam, trong đó có chú trọng đẩy mạnh liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp, tính khả thi trong ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh:
- Đẩy mạnh hỗ trợ việc khai thác, thương mại hóa các kết quả sáng tạo được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các trường đại học, viện nghiên cứu thông qua việc hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
- Đến 2025, hình thành và nâng cao hiệu quả hoạt động khoảng 40 trung tâm và đến 2030 hình thành mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.
- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ gắn với chiến lược sản xuất kinh doanh.
- Xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ để đẩy mạnh việc nhập khẩu công nghệ hiện đại, trên cơ sở đó từng bước xây dựng một số ngành công nghiệp generic của Việt Nam, đặc biệt là những ngành đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của xã hội như thuốc chữa bệnh, nông hóa phẩm, giống cây trồng, sản phẩm trọng điểm quốc gia, v.v..
- Đẩy mạnh việc khai thác sử dụng tác phẩm, đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan hết thời hạn bảo hộ hoặc thuộc về nhà nước (như tài liệu giảng dạy, đào tạo, sách khoa học thường thức, chương trình giải trí đại chúng...).
- Phát triển sàn giao dịch tài sản trí tuệ để tăng cường liên kết cung cầu về tài sản trí tuệ.
- Xây dựng cơ chế hỗ trợ về tài chính cho hoạt động khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động khai thác trực tiếp sáng chế do mình tạo ra.
- Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh khai thác tài sản trí tuệ.
e. Nhóm giải pháp về hoạt động hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu trí tuệ đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển cả về số lượng và chất lượng các dịch vụ hỗ trợ, bổ trợ, đảm bảo đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhu cầu của xã hội, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin sở hữu trí tuệ phải được chú trọng và là diểm thu hút đầu tư của xã hội. Nhóm giải pháp này bao gồm:
- Thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu trí tuệ thông qua việc tăng số lượng và nâng cao chất lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ về sở hữu trí tuệ (đại diện sở hữu trí tuệ, giám định sở hữu trí tuệ, định giá, kiểm toán, cung cấp thông tin sở hữu trí tuệ, v.v.).
- Phát huy vai trò hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu trí tuệ của các hiệp hội như hội sở hữu trí tuệ, hiệp hội tác giả sáng chế, hiệp hội chống hàng giả… Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành nghề trong việc gắn kết sở hữu trí tuệ với sự phát triển từng ngành, lĩnh vực.
- Tăng cường năng lực, đầu tư cơ sở vật chất để tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan hoạt động hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
- Xã hội hóa một số dịch vụ hoặc công đoạn của quy trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp để giải quyết kịp thời nhu cầu của xã hội.
- Xây dựng các tiêu chí để chuẩn hóa hoạt động của các dịch vụ sở hữu trí tuệ; hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát các dịch vụ về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các dịch vụ trung gian.
f. Nhóm giải pháp về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đặt trọng tâm vào các biện pháp then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động này, trong đó phải hướng tới xóa bỏ tình trạng hành chính hóa quan hệ dân sự về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự và các biện pháp thay thế khác, đồng thời nâng cao chất lượng của hoạt động bổ trợ về sở hữu trí tuệ. Các giải pháp cụ thể là:
- Rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và sự phù hợp của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo hướng bảo đảm tính chất dân sự của quyền sở hữu trí tuệ, xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các quan hệ dân sự về sở hữu trí tuệ.
- Nghiên cứu việc thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ; xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên xét xử các vụ việc về sở hữu trí tuệ.
- Khuyến khích giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ bằng hình thức trọng tài; đẩy mạnh hoạt động hòa giải các tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
- Mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về sở hữu trí tuệ.
g. Nhóm giải pháp về tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ là nhóm giải pháp gián tiếp để hỗ trợ cho các giải pháp khác đạt được các mục tiêu đã đề ra bởi con người luôn là nền tảng quan trọng của mọi hoạt động. Nhóm giải pháp này bao gồm:
- Xây dựng kế hoạch đồng bộ trong việc phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống sở hữu trí tuệ, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ, đào tạo nhân lực cấp cao và lực lượng chuyên gia về sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
- Đến 2025 xây dựng được 10 trung tâm đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ tại các trường đại học trên phạm vi cả nước. Xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành về sở hữu trí tuệ và thiết lập các cơ sở đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ phù hợp với từng nhóm đối tượng.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên gia quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025 có 30% số doanh nghiệp và đến năm 2030 có 50% số doanh nghiệp có chuyên gia về sở hữu trí tuệ.
- Xây dựng chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao từ nguồn đào tạo ở nước ngoài để thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ.
h. Nhóm giải pháp về xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ là nhóm giải pháp cần thiết để lan tỏa ra toàn xã hội thói quen luôn đổi mới sáng tạo và ý thức tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình cũng như tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Các giải pháp cụ thể là:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội.
- Đưa sở hữu trí tuệ vào chương trình giáo dục, đào tạo tại các trường phổ thông và cơ sở giáo dục chuyên nghiệp.
- Nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó tiến tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
i. Nhóm giải pháp về tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Công nghệ thông tin ngày càng giữ vai trò quan trọng và trực tiếp tác động tới hiệu quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một trong những giải pháp cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới, cụ thể là:
- Tăng cường đầu tư để hiện đại hóa cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ, phát triển công cụ tra cứu, phân tích thông tin sở hữu trí tuệ, bảo đảm đáp ứng nhanh chóng, đầy đủ với độ tin cậy cao mọi nhu cầu của xã hội. Thúc đẩy việc thu hút đầu tư của xã hội vào hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin sở hữu trí tuệ phục