Bánh mì là một trong những loại thực phẩm được sản xuất lâu đời nhất. Theo các nhà khảo cổ học, bánh mì đầu tiên được tổ tiên loài người của chúng ta ăn là loại bánh mì nhanh, được làm bằng cách trộn bột với nước và nướng trên những tảng đá nóng. Đầu năm 2500 trước Công nguyên, bánh mì được nướng bên trong những lò nướng được thiết kế đặc biệt (Hui Y.H. và cộng sự, 2014). Đó là lò nướng đất sét hình trụ giúp cải thiện kỹ thuật nướng bánh (Wood, 1998).
Ở thời cổ đại, việc sử dụng bột chua để làm bánh mì đã trở thành nền văn hóa và kéo dài đến thế kỉ 19. Ngày nay một số nước vẫn còn giữ nền văn hóa này (Wood, 1989). Ngành công nghiệp bánh mì phát triển mạnh mẽ kể từ thế kỷ 19 khi ngành công nghiệp men bia bắt đầu được sản xuất. Nấm men được sản xuất chủ yếu từ các nhà máy bia. Và kể từ đó, nấm men trở thành nguyên liệu chính không thể thiếu giúp bánh mì nở xốp (Marx và cộng sự, 1989).
Ngày nay, bánh mì là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người ở nhiều nơi trên thế giới. Bánh mì trắng là nguồn cung cấp carbohydrate, chất xơ hòa tan, khoáng chất và vitamin B (Belitz và cộng sự, 2004). Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, xu hướng mới lại tập trung vào các loại thực phẩm lành mạnh, truyền thống và hữu cơ. Do đó, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì đa hạt dần trở nên phổ biến hơn. So với bánh mì trắng, bánh mì nâu, bánh đa hạt và bánh mì nguyên hạt chứa nhiều chất xơ, khoáng chất và vitamin trong chế độ ăn uống hơn. Tuy nhiên, bánh mì trắng có khả năng hấp thụ một số vi chất dinh dưỡng tốt hơn như sắt. Đó là vấn đề mà các nhà sản xuất hiện nay quan tâm nghiên cứu, làm phong phú thêm một số vi chất dinh dưỡng trong bánh mì (Hui Y.H. và cộng sự, 2014).