Căng thẳng, mệt mỏi, nhồi nhét kiến thức, … diễn ra thường xuyên trong một lớp học là nguyên nhân làm giảm hiệu quả quá trình dạy học. Dạy học là một nghệ thuật, người thầy không chỉ kiến tạo một giờ lên lớp với nguồn kiến thức sâu rộng mà còn phải biết tạo bầu không khí lớp học vui vẻ, sinh động, hấp dẫn người học tiếp thu tri thức một cách sáng tạo, hiệu quả.
Tạo không khí lớp học vui vẻ, sinh động có tác dụng
- Góp phần làm tăng hứng thú quá trình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
- Là biện pháp cần thiết trong thực tế giảng dạy hóa học hiện nay để người học chủ động, tích cực tìm kiếm, phát hiện, vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề trong thực tế đời sống.
Để tạo bầu không khí lớp học vui vẻ, thân thiện tích cực đảm bảo các yếu tố sau:
Bố trí và trang trí lớp học hợp lí, vui tươi - Vị trí: thoáng mát, đảm bảo độ sáng. - Vệ sinh: sạch sẽ.
- Màu sơn: thích hợp, đảm bảo độ phản xạ ánh sáng, không chói mắt hay gây cảm giác tâm lí nặng nề (ví dụ: trắng, lam, ve, vàng…).
- Trang trí: phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh, không quá đơn sơ, cũng không nên cầu kì làm phân tán sự chú ý của học sinh.
- Bàn ghế: vừa tầm của học sinh, được bố trí phù hợp với phương pháp dạy học. Bàn giáo viên không nên quá cao hay quá xa dễ tạo khoảng cách giữa giáo viên và học sinh.
Sử dụng đa dạng các phương tiên dạy học
- Giáo viên cần sử dụng đa dạng, thành thạo các phương tiện dạy học, phối hợp, thay đổi linh hoạt theo từng bài dạy để thu hút học sinh, chú ý các phương tiện trực quan sinh động (thí nghiệm, mô hình…máy tính, máy chiếu, máy ảnh kỹ thuật số,…) trong giảng dạy.
- Giáo viên có thể làm cho lớp học vui vẻ sinh động hơn từ các dụng cụ học tập do giáo viên hay học sinh tự tạo.
Tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào tiết học
- Giáo viên nên đặt nhiều câu hỏi gợi mở vừa sức, tạo nhiều tình huống học tập và khuyến khích học sinh tham gia.
- Giáo viên khai thác triệt để sức manh của các phương pháp dạy học hiện đại, hướng trọng tâm vào học sinh: PP hoạt động nhóm, dự án, thảo luận, thuyết trình, đóng vai….
Học sinh cảm thấy được sự yêu thương, hiểu, cảm thông và tôn trọng - GV cần cho HS thời gian để HS diễn đạt ý nghĩa và bộc lộ cảm xúc.
- GV cần có cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần, lời nói dịu dàng, thân mật, gần gũi tuy nhiên đôi lúc cần rõ ràng, kiên quyết, nghiêm khắc. Lắng nghe những lời tâm sự chân thành của HS.
- Tôn trọng ý kiến của người học, luôn động viên, giúp đỡ, khoan dung, độ lượng, vị tha, quan tâm và khẳng định các phẩm chất tốt đẹp của HS.
- Công bằng với tất cả HS, không phân biệt đối xử.
Giữ thái độ vui vẻ, nhiệt tình, chân thành
- Giáo viên không nên tỏ thái độ cáu gắt, khó chịu trước học sinh. Lời nói, ngôn ngữ, cử chỉ cần thể hiện sự vui vẻ, nhiệt tình.
- Có thể nói những câu nói hài hước phù hợp để tạo không khí vui vẻ, thoải mái. - Luôn động viên, khuyến khích học sinh tham gia học tập. Cho điểm cộng hay phần quà cho các học sinh tích cực xây dựng bài, tránh áp đặt, đưa ra các đánh giá dồn dập làm cho học sinh lo lắng, sợ hải, xấu hổ; chê bai, chỉ trích hay mỉa mai, bác bỏ thẳng thừng khi học sinh phát biểu sai.
- Tuy nhiên, đối với những HS không hợp tác hoặc cố ý làm việc riêng gây ồn ào, mất trật tự, giáo viên cũng phải nghiêm khắc, có biện pháp xử lí thích hợp.
Sử dụng các phương pháp phù hợp, luân phiên hợp lí
- Trong quá trình giảng dạy, khi thấy học sinh có vẻ mệt mỏi, không khí lớp bị “chùn” xuống, giáo viên có thể làm thay đổi không khí, tạo sự thoải mái, vui vẻ, đồng
thời giúp học sinh nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng qua các tiết mục: đố vui, kể chuyện, đọc thơ, ảo thuật…
- Tùy vào tình hình, giáo viên hay học sinh có thể trình diễn tiết mục độc lập hoặc phối hợp cùng nhau để tăng thêm hiệu quả.