6. Cấu trúc của Luận văn
2.2.1. Lịch sử hình thành
Vùng đất Hà Nam từ lâu đã là nơi cư trú của người Việt cổ. Cách địa bàn xã Lam Hạ chưa đầy 7km về hướng Đông Bắc đi theo đường DT493 là núi Đọi Sơn (thường được gọi là núi Đọi), nơi phát hiện nhiều sọ chủ nhân nền văn minh Đông Sơn nguyên vẹn nhất cả nước với quan tài gỗ hình thuyền, được xác định niên đại bằng phương pháp phóng xạ các bon (C14) tồn tại cách ngày nay trên 2.000 năm.
Trong các ngôi mộ cổ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ sản xuất (cuốc gỗ, rìu đồng, dao gặt lúa, lưỡi cày chìa vôi); các đồ binh khí (giáo đồng, lao đồng, khóa đồng, rìu xéo, dao găm đồng). Đặc biệt là các đồ dùng sinh hoạt (chậu đồng, bát gỗ, khuyên tai bằng đá). Những hiện vật cổ quý đó đã chứng minh rằng, có một nền văn minh sông Hồng, văn minh lúa nước của cư dân Việt cổ ở Hà Nam đã phát triển tới trình độ khá cao [9, tr.5].
Do sự thất lạc của nguồn tư liệu địa phương nên việc phục dựng lịch sử làng xã Lam Hạ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, căn cứ vào các dấu mốc lịch sử đình đền, chùa và các ghi chép về các nhà khoa bảng của vùng đất Lam Hạ cho ta một suy đoán rằng các thôn, làng xã Lam Hạ có lịch sử ra đời tương đối sớm. Theo tài liệu lịch sử lập làng Đình Tràng, xã Lam Hạ, vào cuối Tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), khi giặc Thanh tràn xuống phía Nam kinh thành Thăng Long, nhân dân 2
28
xóm chài nhỏ nằm ở ngã ba sông Châu - sông Đáy đã lập mưu lừa quân giặc, bảo toàn được một kho thóc gồm hàng vạn hộc cùng hàng trăm cối xay, cối giã...Chưa đầy một tháng sau, mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) số lương thực này đã góp phần vào chiến công đại phá quân Thanh, giải phóng đất nước. Xét công lao “bảo toàn quân lương” của Chúa gửi kho Đừng, Đô đốc Bùi Thị Xuân đã lập biểu tâu lên vua Quang Trung xin cắt một phần đất và cư dân của 4 tộc họ sinh sống ở doi đất ngã ba Sông, ban thưởng cho Chúa giữ kho. Làng Đình Tràng ra đời từ đó (tháng năm, năm Kỷ Dậu – 1789) [26, tr.2].
Qua tư liệu bia ký trong các công trình di tích đình, đền, chùa, miếu mạo, chúng ta phần nào hình dung được lịch sử hình thành và phát triển của các thôn, làng xã Lam Hạ. Đền Thượng thôn Quang Ấm nằm ngay bên đường đê Bắc Châu Giang vẫn còn lưu giữ một số cổ vật từ triều Nguyễn có niên đại triều vua Lê Dụ Tông. Chùa và phủ mẫu thôn Hoàng Vân có ghi chép lại về việc tu bổ vào năm 1865, công trình này còn mang đậm dấu ấn kiến trúc của thời đại phong kiến nhà Nguyễn.
Căn cứ vào nguồn sử liệu bia ký và những quan sát dân tộc học cho thấy, trước đây khu vực xã Lam Hạ dân cư chủ yếu sinh sống tập trung trên các dẻo đất cạnh bờ sông Châu Giang với nghề nghiệp chính là nông nghiệp và đánh bắt thủy sản trên sông Châu. Cùng với sự phát triển của dân số, ao hồ dần bị san lấp hết để phục vụ cho nhu cầu nhà ở, dân cư trở nên đông đúc như ngày nay.