6. Cấu trúc của Luận văn
4.1. Tiếp tục bám trụ đất nông nghiệp
Khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất nông nghiệp thì vấn đề chuyển đổi sinh kế ở xã Lam Hạ diễn ra ở quy mô lớn và ngày càng mạnh mẽ. Theo tài liệu điền dã dân tộc học của tôi, tổng số nhân khẩu của toàn xã Lam Hạ năm 2013 là gần 7000 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là khoảng 3.500 người, chiếm 50% dân số. Xuất phát từ lao động nông nghiệp nên đặc điểm của thành phần lao động này là có sức khỏe tốt, cần cù, chịu khó, có thể tham gia vào tất cả các công việc giản đơn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp phức tạp.
Xét ở cấp độ hộ gia đình, có hai hình thức chuyển đổi sinh kế là chuyển đổi sinh kế hoàn toàn và chuyển đổi sinh kế không hoàn toàn, tức là chuyển đổi sinh kế vẫn kết hợp với làm nông nghiệp. Việc chuyển đổi sinh kế hoàn toàn diễn ra ở nhóm hộ bị mất toàn bộ đất nông nghiệp hoặc vẫn còn đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang. Do đất nông nghiệp trên địa bàn xã vẫn còn khá nhiều nên nhóm hộ chuyển đổi sinh kế hoàn toàn chiếm số lượng không đáng kể. Mà phổ biến hơn cả là nhóm hộ chuyển đổi sinh kế trong khi vẫn tiếp tục bám trụ với đất nông nghiệp. Khi đất đai còn ít, người dân vừa tranh thủ làm ruộng vừa kết hợp làm các công việc phi nông nghiệp khác. Tuy nhiên, xét quy mô trong một hộ gia đình thì toàn bộ các gia đình ở xã Lam Hạ ít nhiều đều có chuyển đổi sinh kế, sự chuyển đổi sinh kế này có thể diễn ra ở một hay một vài thành viên của hộ, đa phần rơi vào người trẻ tuổi, những người có trình độ chuyên môn hoặc sức khỏe tốt. Hay nói cách khác, việc thu hồi quyền sử dụng đất đã làm biến đổi mạnh mẽ cấu trúc lao động của các hộ gia đình. Không còn gia đình nào sống hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp hoặc làm nghề thủ công như trước kia, mà ngày nay một gia đình có thể làm nhiều nghề khác nhau, và thậm chí một thành viên trong gia đình cũng có thể làm nhiều nghề ở những thời điểm khác nhau với ngày công lao động được tính bằng tiền lương/tháng.
Việc chuyển đổi sinh kế có sự phân hóa rõ nét trong thành phần giới và độ tuổi lao động. Những người trong độ tuổi dưới 40 tuổi có nhiều cơ hội chuyển đổi
66
sinh kế hơn các đối tượng có độ tuổi cao hơn. Bởi lẽ đây là đối tượng tương đối trẻ, thế hệ con cái của họ sinh ra không có ruộng đất. Bản thân họ khi xây dựng gia đình cũng được cha mẹ chia cho một suất đất theo quy định của Nhà nước nhưng lại manh mún, không tập trung. Với lợi thế về độ tuổi, họ có nhiều cơ hội để xin vào làm việc trong các công ty, xí nghiệp. Đối với những người trên 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ việc chuyển đổi sinh kế trở lên khó khăn hơn. Họ tiếp tục làm làm ruộng trên diện tích đất nông nghiệp còn lại kết hợp với ở nhà chăm sóc gia đình và làm các công việc tự do khác.
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò là một hoạt động kinh tế quan trọng của một bộ phận người dân Lam Hạ sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Tại thôn Đường Ấm, trừ khoảng 20 hộ bị thu hồi hoàn toàn, đa số các hộ gia đình có đất nông nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất còn lại. Tại thời điểm nghiên cứu, đất nông nghiệp bị thu hồi của xã Lam Hạ mới chỉ diễn ra tập trung ở một số thôn như Đường Ấm, Đình Tràng, Hòa Lạc, Lương Cổ, Quỳnh Chân. Còn ở các thôn như Quang Ấm, Hoàng Vân đất nông nghiệp vẫn còn khá lớn. Nhưng ngay cả ở các thôn bị thu hồi nhiều, đất nông nghiệp vẫn còn đáng kể. Thôn Đường Ấm còn khoảng 30%, thôn Hòa Lạc, Đình Tràng còn khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp. Tương ứng với đó, có khoảng 50-60% số hộ ở các thôn này vẫn ít nhiều liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Một cán bộ thôn Đường Ấm nhận định, trong vụ mùa năm 2013, diện tích gieo cấy trong kế hoạch của thôn không giảm mà có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi nhưng chưa được sử dụng, lại thuận lợi để canh tác đã được nhiều người dân tận dụng để tiếp tục trồng cấy. Ở những khu vực đã bị thu hồi vốn là đất màu trước đây của thôn, tranh thủ các dự án xây dựng chưa được triển khai, người dân vẫn cố gắng trồng thêm các cây hoa màu hoặc thậm chí là mớ rau đem bán ngoài chợ để thêm thắt vào các khoản chi tiêu ngày càng đắt đỏ của gia đình. Đối với đa số người dân chừng nào đất nông nghiệp chưa bị thu hồi hết thì họ vẫn muốn phụ thuộc vào công việc ruộng đồng.
67
Ngoài việc tiếp tục canh tác trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình, một số hộ còn xin, nhận thêm ruộng của cha mẹ, ông bà, người già trong làng để cày cấy. Cùng với đó, do ruộng đất bị thu hồi phân tán nhỏ lẻ, manh mún nên thực tế đã diễn ra nhiều hình thức dồn đổi tự nguyện giữa những người trong gia đình với nhau. Cũng giống như trường hợp làng Gia Minh trong nghiên cứu: “Công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi sinh kế ở ven đô Hà Nội” của tác giả Nguyễn Văn Sửu, người nông dân xã Lam Hạ giờ đây dễ dàng mượn được đất nông nghiệp còn lại của các hộ gia đình khác trong làng mà không phải trả bất kỳ một khoản chi phí nào.
Với thực trạng thu hồi đất theo kiểu “cần đến đâu, lấy đến đó” như hiện nay thì người dân vẫn có thể tiếp tục canh tác trên diện tích đất nông nghiệp còn lại của gia đình. Một số trường hợp dưới đây minh họa cho thực tế này.
Gia đình ông Nguyễn Văn P, cán bộ thôn Đường Ấm chia sẻ: vợ ông cùng với một người họ hàng tăng gia ở một khu đấu giá tạo vốn của thôn. Do diện tích đất này chưa triển khai xây dựng nhà cửa nên gia đình ông tranh thủ trồng ít rau sạch để ăn. Khi nào họ sử dụng thì trả lại. Ông P kể gia đình nhà ông T (một người cũng thôn) cũng tăng gia hàng mẫu ngô ở khu đô thị mới (trước đây là đất màu của người dân trong thôn)26
.
Chị Trần Thị C, 51 tuổi, thôn Đường Ấm, cho biết, gia đình chị có khoảng hơn 3 sào cấy, bị Nhà nước thu hồi còn gần 1 sào. Chị xin làm thêm của bà ngoại được khoảng 2 sào nữa. Như vậy so với trước khi thu hồi, diện tích cấy lúa nhà chị vẫn thế. Chị còn vui mừng cho biết, ruộng của bà ngoại nằm sát con mương tưới nước, năm nay chị phá bờ đi, vừa tránh được chuột bọ, lại dư thêm được một ít diện tích cày cấy thêm vào27
.
Gia đình anh chị Nguyễn Thị L có hai cháu nhỏ. Hai cháu lúc sinh ra đã không được chia ruộng rồi. Còn ruộng của anh chị khi lấy nhau được cha mẹ hai bên chia cho theo suất, mỗi người có 8 miếng ruộng. Ruộng đất phân tán, lại bị thu hồi không tập trung, nên giờ chị cấy ruộng của ông bà ngoại28.
26 Tài liệu điền dã tháng 11/2013. 27 Tài liệu điền dã tháng 11/2013. 28 Tài liệu điền dã tháng 11/2013.
68
Mặc dù hiện nay thu nhập từ nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác nhưng đối với người nông dân mà nói, một vài sào ruộng tuy không mang lại cho họ lợi nhuận đáng kể nhưng lại có thể đảm bảo nguồn lương thực hàng ngày, cho họ một nguồn thu ổn định và cho họ sự yên tâm trong khi theo đuổi những công việc phi nông nghiệp tiềm ẩn bất trắc, rủi ro. Chính vì vậy, nhiều người đã tỏ ra thực sự lo lắng khi đất đai bị thu hồi hết mà chưa biết chuyển sang làm gì để kiếm sống. Ngoài ra, công việc đồng áng nói chung còn tạo điều kiện cho người dân thời gian để chăm sóc con cái, nhất là gia đình trẻ chưa có điều kiện để thuê mướn người giúp việc hay thuận tiện để đi thăm nom họ hàng khi ốm đau, mừng cưới xin.
Chị Nguyễn Thị L thôn Đường Ấm cho biết, đợt trước cũng có các công ty do địa phương giới thiệu về tuyển lao động. Nhưng đợt đấy chị nghĩ ruộng đất còn nhiều, với lại đi công ty lại sợ tăng ca. Chị còn có con nhỏ, đêm hôm rồi không biết thế nào nên chị vẫn lừng chừng chưa muốn đi29
. Xét ở quy mô hộ, số hộ gia đình làm ruộng vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, số lượng lao động tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp trong mỗi hộ gia đình lại bị suy giảm so với trước. Nói cách khác, thời gian và lao động nông nghiệp đã có sự biến đổi sau thu hồi đất nông nghiệp. Nếu như trước kia, một hộ gia đình bao gồm ông bà, cha mẹ, con cái đều tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, thì sau thu hồi đất, do diện tích đất nông nghiệp giảm, lực lượng lao động tham gia sản xuất nông nghiệp hầu như chỉ là những thành viên lớn tuổi, chủ yếu là người phụ nữ trong gia đình. Nhiều người dân không còn quanh năm suốt tháng ở ngoài đồng như trước nữa, mà thay vào đó, họ chỉ cần sử dụng một phần thời gian là đủ hoàn thành công việc sản xuất nông nghiệp.
Bác Nguyễn Thị N năm nay gần 60 tuổi có con cái đều đã xây dựng gia đình và ra ở riêng. Bác N và chồng cấy hơn 2 sào ruộng nhưng bác vẫn xin vào làm công nhân vệ sinh cho công ty đồ chơi ở Phủ Lý. Vào thời
29 Tài liệu điền dã tháng 12/2013.
69
vụ, bác bố trí cấy, gặt vào chủ nhật, xin nghỉ thêm 2 ngày cộng thêm với thuê mướn khoảng 1 công lao động nữa30
.
Nhà anh Nguyễn Xuân T là một ví dụ khác. Gia đình anh có 5 người. Anh làm nghề thợ xây. Hai con gái lớn của anh cũng làm công ăn lương, con trai út còn đi học. Chỉ có chị vợ anh đảm nhiệm công việc đồng áng. Nhưng vào vụ chính, anh và con gái lớn có thể xin nghỉ 1 – 2 buổi, cùng với ngày nghỉ chính thức thứ bảy, chủ nhật nữa thì công việc cày cấy 3 sào nhà anh coi như hòm hòm. Còn việc chăm bón thường ngày do chị vợ ở nhà túc tắc làm31.
Thực tế trên cho thấy một bộ phận người nông dân vẫn tiếp tục tận dụng vốn tự nhiên là nguồn đất nông nghiệp còn lại cộng với nguồn lao động nông nghiệp của gia đình để tiếp tục bám trụ với nghề nông theo kiểu 'đến đâu hay đến đó' nhằm tránh rủi ro hoặc giảm nguy cơ thất nghiệp, hơn là một chiến lược mưu sinh bền vững lâu dài vì họ đều có thể nhìn thấy và tiên liệu về tương lai của quá trình đô thị hóa ở địa bàn này.