Xác định rõ tầm quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở xã trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, những năm qua tỉnh Quảng Ninh cũng như huyện Vân Đồn đã lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao năng lực cán bộ ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Trước đây, việc luân chuyển cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Không ít trường hợp cán bộ không muốn luân chuyển, ngại luân chuyển hoặc nếu phải luân chuyển thì cũng làm việc cầm chừng, “chờ thời” để trở lại nơi làm việc cũ. Để khắc phục tình trạng này, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy cơ sở thực hiện việc luân chuyển cán bộ bài bản, xây dựng kế hoạch và lộ trình rõ ràng. Trong đó nhấn mạnh việc đào tạo cán bộ trước khi luân chuyển. Thực hiện ý kiến của Tỉnh ủy, cấp ủy huyện Vân Đồn đã chủ động phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý xã hội; kỹ năng tiến hành công tác dân vận đối với số cán bộ thuộc diện luân chuyển.
Không chỉ thực hiện luân chuyển cán bộ có lộ trình, kế hoạch, các địa phương coi việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ luân chuyển là căn cứ đánh giá cán bộ. Cán bộ luân chuyển về cơ sở đều được cấp ủy huyện Vân Đồn giao trọng trách đảm nhiệm chức vụ chủ trì, trong đó phần lớn là đảm nhiệm chức vụ cán bộ UBND cấp xã. Do vậy, khi đánh giá cán bộ, Huyện ủy căn cứ vào những vấn đề được nêu ra ở từng địa phương để xem xét mức độ chuyển biến, khắc phục, sửa chữa sau thời gian cán bộ thuộc diện luân chuyển đảm nhiệm nhiệm vụ. Đối với những trường hợp cán bộ thuộc diện luân chuyển không hoàn thành nhiệm vụ, không thể hiện năng lực của mình, cấp ủy sẽ có phương án bố trí, sử dụng phù hợp, không để kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cơ sở.[32]