Các yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu Quy trình nhập khẩu hàng hoá của công ty cổ phần millennium asia việt nam (Trang 32 - 35)

Các yếu tố khách quan là các yếu tố thuộc về môi trường kinh doanh, luật pháp. Đây là những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp, là những yếu tố mà doanh nghiệp buộc phải tuân theo và tự làm cho mình phù hợp với nó.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu hàng hóa thì các yếu tố này bao gồm:

1.3.1.1. Các chế độ chính sách luật pháp trong nước và quốc tế

Chính sách pháp luật là những vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu buộc phải nắm vững và tuân theo một cách vô điều kiện. Vì nó thể hiện ý chí của Đảng cầm quyền lãnh đạo mỗi nước. Nhập khẩu được tiến hành giữa các chủ thể thuộc các quốc gia khác nhau. Bởi vậy, hoạt động này cũng chịu sự tác động và chi phối của các chính sách, chế độ, luật pháp của các quốc gia đó. Chẳng hạn như việc sửa đổi luật pháp của một quốc gia hay sự thay đổi chính sách thuế ưu đãi của một nước hay một nhóm nước, điều đó không những chỉ ảnh hưởng đến những nước đó mà còn ảnh hưởng đến các nước có quan hệ kinh tế xã hội với những nước đó. Đồng thời, hoạt động xuất nhập khẩu nhất định phải tuân theo những quy định luật pháp Quốc tế chung. Luật pháp quốc tế buộc các nước vì lợi ích chung phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo thoả thuận các bên đã quy định trong hợp đồng, do đó tạo nên sự tin tưởng cũng như hiệu quả cao trong hoạt động này.

Đối với nhập khẩu, mỗi quốc gia luôn có những chính sách, luật lệ nghiêm ngặt đối với hàng hoá nhập khẩu và cách thức thực hiện quy trình nhập khẩu. Mỗi quốc gia sẽ có những danh mục hàng hoá cho phép nhập khẩu, danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu và danh mục hàng hoá cho phép nhập khẩu có điều kiện. Bên cạnh đó cũng có những chế độ ưu đãi, hạn chế khác nhau của từng quốc gia, thông qua mức thuế nhập khẩu, hạn ngạch, các chế độ phi thuế quan,…

Sự thông thoáng, mở cửa của Nhà nước đối với một loại hàng hoá nào đó không chỉ ảnh hưởng đến cách thức nhập khẩu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của loại hàng đó tại thị trường nội địa, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hay hiệu quả kinh doanh của hàng hoá đó.

Do đó, trước khi tiến hành nhập khẩu, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ về luật pháp trong nước và quốc tế.

1.3.1.2. Biến động của thị trường trong nước và quốc tế

Cũng như các loại hình kinh doanh trong nước, kinh doanh nhập khẩu chịu sự chi phối của thị trường hàng hóa đầu vào và thị trường hàng hóa đầu ra. Tuy nhiên, khác với kinh doanh trong nước, đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, thị trường đầu vào là thị trường quốc tế, tức là chịu sự chi phối của những biến động xảy ra trên thị trường thế giới như sự biến động về giá cả, sản lượng hàng hóa, chất lượng sản phẩm trên thị trường quốc tế…

Khi một doanh nghiệp đang nhập khẩu hàng hoá ổn định từ một nhà cung cấp trên thị trường quốc tế, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cũng làm giá thành của hàng hoá nhập khẩu tăng lên tương đối từ đó sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận chi phí nhập khẩu tăng làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa đó tại thị trường trong nước, giảm sản lượng tiêu thụ và từ đó làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hoặc doanh nghiệp phải thực hiện nghiên cứu thị trường, tìm kiếm một mặt hàng nhập khẩu mới hoặc tìm kiếm một nhà cung cấp khác với giá thành phù hợp hơn, điều đó có nghĩa doanh nghiệp sẽ phải thực hiện lại từ đầu một quy trình nhập khẩu hoàn toàn mới và khiến cho thời gian thực hiện quy trình nhập khẩu bị kéo dài.

1.3.1.3. Sự chuyên nghiệp của nhà xuất khẩu

Khi nhập khẩu hàng hoá từ một nhà xuất khẩu chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ có một quy trình xuất khẩu chuyên nghiệp, từ việc đàm phán diễn ra được thuận lợi, nhanh chóng, chuẩn bị hàng hoá đảm bảo chất lượng, chuẩn bị bộ chứng từ xuất khẩu đầy đủ, chính xác và nhà nhập khẩu sẽ không mất nhiều công sức trong việc kiểm tra, rà soát. Nhập khẩu từ một nhà nhập khẩu có kinh nghiệm lâu năm, họ cũng có những mối quan hệ tốt với các hãng tàu, hãng hàng không, công ty bảo hiểm, từ đó họ có thể thuê được những chuyến tàu với giá rẻ hơn, mua bảo hiểm hàng hoá với giá phù hợp và dịch vụ tốt hơn.

Ngược lại, khi làm việc với một nhà xuất khẩu có chuyên môn không cao, ít kinh nghiệm sẽ khiến nhà nhập khẩu mất nhiều công sức trong việc kiểm tra bộ chứng từ nhập khẩu, trong trường hợp nhà nhập khẩu không nhận ra được những lỗi trong bộ chứng từ mà nhà xuất khẩu chuẩn bị, từ đó bị phạt hoặc thậm chí không thể hoàn thành thủ tục nhận hàng sẽ khiến nhà nhập khẩu chịu rủi ro rất lớn.

1.3.1.4. Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin

Việc thực hiện quy trình nhập khẩu không thể tách rời với hoạt động vận chuyển và thông tin liên lạc. Nhờ có thông tin liên lạc hiện đại mà công việc có thể tiến hành thuận lợi, kịp thời. Ngày nay, khi hệ thống thông tin liên lạc liên tục phát triển mạnh mẽ, việc liên lạc giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu trở lên đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều, việc gửi chứng từ giữa các bên cũng trở nên đơn giản chỉ cần thông qua hệ thống mạng, giúp các doanh nghiệp giảm đi rất nhiều chi phí và thời gian.

Bên cạnh đó việc vận chuyển hàng hoá từ nước này sang nước khác là một công việc cực kỳ quan trọng trong nhập khẩu. Giảm thời gian vận chuyển sẽ giúp thời gian thực hiện quy trình nhập khẩu được rút ngắn đi đáng kể.

Hệ thống công nghệ thông tin cũng là yếu tố đóng góp rất lớn trong việc đơn giản hoá và giảm thời gian thực hiện quy trình nhập khẩu. Hiện nay khi công nghệ thông tin phát triển, rất nhiều thủ tục hành chính đã được thực hiện từ một phần đến hoàn toàn trên hệ thống trực tuyến, giúp cho quy trình được đơn giản hoá và nhanh chóng hơn rất nhiều.

Do đó sự hiện đại hoá công việc nghiên cứu và áp dụng những công nghệ tiên tiến của khoa học kỹ thuật vào hệ thống thông tin và giao thông vận tải là tất yếu ảnh hưởng to lớn đến nhập khẩu.

1.3.1.5. Tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý và các yếu tố tự nhiên

Vị trí địa lý có vai trò là nhân tố tích cực hoặc tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế cũng như xuất nhập khẩu của một quốc gia. Vị trí địa lý thuận lợi là điều kiện cho phép một quốc gia tranh thủ được phân công lao động quốc tế hoặc thúc đẩy xuất nhập khẩu dịch vụ như du lịch, vận tải, ngân hàng.

Vị trí địa lý và nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng là một trong những nhân tố quan trọng làm cơ sở cho quốc gia xây dựng cơ cấu ngành và vùng xuất nhập khẩu. Chẳng hạn một quốc gia có vị trí tiếp giáp biển, thậm chí là cửa ngõ hướng ra biển sẽ tạo điều kiện để quốc gia đó phát triển hệ thống cảng biển, hệ thống logistics, hệ thống vận tải hàng hoá giữa các quốc gia. Hệ thống giao nhận vận tải này được tạo điều kiện phát triển sẽ giúp giảm các chi phí về logistics từ đó giúp các nhà nhập khẩu giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hoá, chi phí lưu kho từ đó giúp các công ty rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện quy trình nhập khẩu.

Ngoài ra, yếu tố về dịch bệnh, thiên tai cũng có ảnh hưởng nhiều tới việc thực hiện quy trình nhập khẩu. Khi dịch bệnh bùng phát có thể khiến cho thị trường chịu ảnh hưởng, khiến sản lượng cung hàng hoá sụt giảm và làm tăng giá thành. Đặc biệt đối với các dịch bệnh trên người mà có khả năng lây lan mạnh, có thể khiến sản xuất

đình trệ, gây sụt giảm nguồn cung nghiên trọng và từ đó tạo ra sự khan hiếm hàng hoá và khiến mức giá tăng cao. Điều này cũng sẽ gây ra sự biến động của thị trường và gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quy trình của doanh nghiệp như đã nêu ở trên.

Một phần của tài liệu Quy trình nhập khẩu hàng hoá của công ty cổ phần millennium asia việt nam (Trang 32 - 35)