Theo điều 4 Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, hiện nay có 3 phương pháp cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi như sau:
*Viện trợ theo chương trình
Viện trợ theo chương trình là tập hợp hoạt động liên quan đến một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều chủ thể khác nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu nhất định, được thực hiện trong một hoặc nhiều giai đoạn.
Các khoản viện trợ chương trình tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư hỗ trợ cán cân thanh toán và ngân sách của Chính phủ. Theo phương thức cung cấp này thì điều kiện đi kèm thường liên quan đến việc Chính phủ phải giải quyết như thế nào trước việc sử dụng khoản viện trợ đó, và kèm theo các khoản viện trợ sẽ là các điều kiện liên quan đến cải cách chính sách. Ví dụ như tài trợ cho sự phát triển chung về y tế, giáo dục, …
Viện trợ theo chương trình gồm 4 loại:
- Hỗ trợ cán cân thanh toán (HTCCTT)
HTCCTT là việc các nhà tài trợ ODA cung cấp các khoản tài chính cho Chính phủ các nước tiếp nhận ODA để sử dụng vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thâm hụt cán cân thanh toán, thiếu hụt dự trữ ngoại tệ và các khoản nợ không thể thanh toán. HHCCTT thường đi kèm theo điều kiện liên quan đến chương trình cải cách chính sách trên cơ sở có sự thống nhất ý kiến giữa các Chính phủ và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB). Trong một số trường hợp, các điều kiện này chính là việc áp dụng các hình thức nhập khẩu, nhằm hỗ trợ cán cân thanh toán và Chính phủ các nước tiếp nhận viện trợ sẽ phải tính đến việc sử dụng phương thức trao đổi ngoại hối. Tuy nhiên trong phần lớn các trường hợp, Chính phủ các nước tiếp nhận viện trợ không bị ép buộc trong việc sử dụng nguồn vốn và hoạt động giám sát của nhà tài trợ, mà phần lớn tập trung vào việc thực hiện chương trình cải cách chính sách đã được các bên nhất trí thông qua.
- Hỗ trợ ngân sách (HTNS)
HTNS cũng tương tự HHCCTT tuy nhiên đối với các loại hình này thì các điều kiện tập trung chủ yếu vào việc sử dụng vốn của nhà tài trợ đối với ngân sách Chính phủ chứ không phải là liên quan đến cán cân thanh toán. Điển hình là các điều kiện về mức độ ưu tiên chung về ngân sách như quy trình lập kế hoạch, chi tiêu và hạch toán chi tiêu công, ... đồng thời cũng thông qua chương trình cải cách. Khoản tiền
viện trợ được chuyển vào Ngân hàng trung ương và chuyển thành tiền nội tệ sau đó đưa vào ngân sách Chính phủ. Chính phủ có trách nhiệm giải trình các báo cáo thu chi đã qua kiểm toán. Trong một vài trường hợp, Chính phủ có thể bị các nhà tài trợ yêu cầu lập các tài khoản riêng lẻ cho từng khoản mục để dễ theo dõi và giám sát.
- Hỗ trợ ngân sách theo ngành
Hỗ trợ ngân sách theo ngành là việc cung cấp các khoản tài chính cho một ngành cụ thể ví dụ như ngành y tế, ngành giáo dục, ... kèm theo các khoản viện trợ này là các điều kiện liên quan đến kế hoạch chi tiêu của ngành và kế hoạch cải cách của chính sách ngành. Điều kiện giải ngân và các qui định kế toán cũng tương tự như đối với hình thức hỗ trợ ngân sách. Khoản viện trợ sẽ được chuyển vào ngân sách Nhà nước thông qua ngân hàng Trung ương. Chính phủ phải thiếp lập tài khoản chi tiêu của ngành được hỗ trợ và tài khoản này phải được kiểm duyệt.
- Hỗ trợ giảm nợ
Giảm nợ cũng được coi là một biện pháp hay một hình thức viện trợ. Giảm nợ là việc xoá một phần nợ nước ngoài của Chính phủ. Mặc dù điều này không phải là việc thanh toán nợ bằng hiện vật mà nó là việc xoá bỏ các chi phí dịch vụ của các khoản nợ của Chính phủ. Vì vậy, nó giúp cho ngân sách hiện có của Chính phủ được tăng lên. Việc xóa nợ được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc các nước nghèo không có khả năng trả nợ là điều kiện trước khi tiến hành các công tác chuẩn bị và thực hiện văn kiện chiến lược xoá đói giảm nghèo. Bằng cách giảm nợ sẽ giúp tăng thêm nguồn lực cho Chính phủ, cách thức hỗ trợ như vậy sẽ đem lại lợi ích cho các quốc gia nghèo. Đối với Việt Nam, thời gian qua các nhà tài trợ, đặc biệt là các nước Đông Âu cũ đã áp dụng hình thức này nên Việt Nam đã giảm được số lượng nợ gần 11 tỷ USD.
*Viện trợ theo dự án
Là loại viện trợ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn thực hiện ODA, tập hợp các hoạt động có liên quan đến nhau nhằm đạt được một số mục tiêu, được thực hiện trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định, dựa trên nguồn lực xác định. Các hoạt động và chi tiêu của dự án phải cụ thể, chi tiết hóa và thường không đòi hỏi phải kèm theo các điều kiện liên quan đến lĩnh vực thay đổi chính sách. Một dự án phát triển là một hoạt động riêng lẻ với những mục tiêu, ngân sách và kết quả được xác định rõ ràng như cơ chế quản lý dự án hết sức cụ thể. Có 3 phương án cơ bản sau đây:
- Viện trợ dự án được chuyển qua các Chính phủ
Là hình thức Chính phủ các dự án các nước tiếp nhận viện trợ phải chịu trách nhiệm về quản lý dự án, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng nguồn vốn của các nhà
tài trợ. Trong trường hợp này vốn được chuyển trực tiếp vào một tài khoản của Chính phủ. Các nhà tài trợ yêu cầu Chính phủ các nước tiếp nhận phải hạch toán việc sử dụng nguồn vốn một cách minh bạch và các nhà tài trợ thường đưa ra cách thức sử dụng nguồn vốn cho dự án. Cơ chế cấp vốn kiểu này thường thấy đối với các dự án do các nhà tài trợ đa phương như: Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cung cấp.
- Viện trợ dự án do Nhà tài trợ quản lý
Là dạng các nhà tài trợ giữ quyền kiểm soát, quản lý các hoạt động và kinh phí của dự án. Trong trường hợp này các nhà tài trợ thành lập đơn vị quản lý dự án đặc biệt chịu trách nhiệm thực hiện dự án và quản lý vốn của các nhà tài trợ. Vốn được giải ngân và hạch toán theo các thủ tục của các nhà tài trợ. Mặc dù, các dự án này không phải bộ phận của chương trình và ngân sách thường xuyên của Chính phủ, các Chính phủ thường cung cấp và cử cán bộ làm việc cho các dự án trên cơ sở biệt phái. Cơ chế cấp vốn như vậy thường thấy ở các dự án do các nhà tài trợ song phương tài trợ và thể hiện rõ nét của hình thức viện trợ này là các khoản viện trợ không hoàn lại dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật.
- Viện trợ dự án được chuyển qua các NGOs
Viện trợ dự án được chuyển qua các NGOs là một trong những phương thức đang ngày trở thành một hình thức hỗ trợ thông dụng của các nhà tài trợ. Trong trường hợp này các nhà tài trợ có thể viện trợ cho NGOs trên cơ sở đề xuất dự án được xác định phù hợp. Các nhà tài trợ thường ký hợp đồng với các NGOs nêu rõ các hoạt động sẽ được thực hiện và các điều kiện sử dụng vốn, cũng như các yêu cầu về kiểm toán, kế toán.
*Phi dự án
Là phương thức viện trợ ODA không hoàn lại được thực hiện một lần, riêng lẻ bằng tiền, hiện vật, hàng hóa, chuyên gia (kể cả chuyên gia tình nguyện), cung cấp các đầu vào để tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, nghiên cứu, khảo sát, đào tạo.