Hiệu quả môi trường

Một phần của tài liệu ĐỊNH HƯỚNG bảo tồn tài NGUYÊN DU LỊCH NHÂN văn ở TỈNH BÌNH DƯƠNG PHỤC vụ DU LỊCH (Trang 85 - 87)

7. Cấu trúc của đề tài

2.4.3. Hiệu quả môi trường

Vấn đề bảo vệ môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu trong khai thác tài nguyên phục vụ du lịch. Môi trường có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, bảo vệ môi trường chính là chìa khoá để phát triển du lịch bền vững.

Không nằm ngoài xu hướng chung đó, trong khai thác tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ du lịch, Bình Dương luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2000 – 2011, nhiều tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh đã và đang được khai thác có hiệu quả kinh tế nhất định. Vấn đề bảo vệ môi trường trong du lịch cũng được ban quản lý các điểm du lịch chú ý, song hiệu quả đạt được rất khác nhau.

Cụ thể là tại các chùa, khách hành hương và khách tham quan tăng vọt vào các ngày lễ, tết, mang theo mâm quả, nhang đèn cúng bái, cùng sự nở rộ của các dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa... làm cho quang cảnh xung quanh và trong chùa trở nên kém thẩm mỹ.

Tại các làng nghề, nhất là làng nghề gốm sứ, tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra khá nghiêm trọng do việc đốt gỗ, củi nung gốm. Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở VHTT&DL tỉnh đã có những văn bản mang tính pháp lý yêu cầu các đơn vị sản xuất di dời ra khu vực xa khu dân cư hoặc chuyển sang dùng gas để nung. Gần đây khi du lịch làng nghề bắt đầu nở rộ, vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường càng được chú ý hơn để phục vụ khách tham quan. Do vậy, về cơ bản tình trạng môi trường ở các làng nghề đã được cải thiện đáng kể.

Tại khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, dù đón lượng khách lớn, nhưng do có cơ sở hạ tầng tốt, công tác tổ chức quản lý chặt chẽ nên luôn đảm bảo được tình trạng vệ sinh khá tốt. Bên cạnh đó, trong khu du lịch này đã và đang trồng rất nhiều cây xanh để bù đắp lại cho các công trình bêtông cốt thép làm không gian ở đây khá thoáng mát, tạo cảm giác thoải mái cho du khách, đồng thời tác động ít nhiều đến ý thức của du khách về việc giữ gìn mảng xanh cho không khí trong lành. Tại các khu du lịch Phương Nam, Dìn Ký, Green eye, do đón lượng khách rải rác trong năm và kinh doanh loại hình du lịch gần với thiên nhiên nên vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu. Do vậy, sự trong lành của môi trường ở đây luôn ở trong tình trạng tốt. Du khách đến đây không những được thỏa mãn về nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, mà còn được nâng cao hiểu biết, nhận thức về việc bảo vệ môi trường chung cho cộng đồng.

Đối chiếu với nguyên tắc giảm tiêu thụ quá mức và xả thải nhằm giảm chi phí khôi phục các suy thoái môi trường, đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng du lịch (nguyên tắc 2), của 10 nguyên tắc phát triển bền vững, việc khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ du lịch của tỉnh Bình Dương đã đạt được sự bền vững nhưng ở một mức độ còn hạn chế.

Một phần của tài liệu ĐỊNH HƯỚNG bảo tồn tài NGUYÊN DU LỊCH NHÂN văn ở TỈNH BÌNH DƯƠNG PHỤC vụ DU LỊCH (Trang 85 - 87)