Hiện trạng khai thác và bảo tồn tài nguyên du lịch các làng nghề truyền thống

Một phần của tài liệu ĐỊNH HƯỚNG bảo tồn tài NGUYÊN DU LỊCH NHÂN văn ở TỈNH BÌNH DƯƠNG PHỤC vụ DU LỊCH (Trang 69 - 73)

7. Cấu trúc của đề tài

2.3.4. Hiện trạng khai thác và bảo tồn tài nguyên du lịch các làng nghề truyền thống

* Khái quát về các làng nghề

Bình Dương là một tỉnh miền Đông Nam Bộ có nhiều làng nghề thủ công truyền thống từ khá lâu đời. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 32 làng nghề với 9 nghề truyền thống, trong đó nổi bật nhất là các ngành nghề như sơn mài, gốm sứ, điêu khắc gỗ. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Bình Dương có nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú, đa dạng; đặc biệt có một số sản phẩm đạt chất lượng cao mang đậm tính văn hoá truyền thống Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.

a. Làng nghề sơn mài: Sơn mài Bình Dương nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng, bởi từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua quá trình 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật riêng tỷ mỉ và công phu. Một qui trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Làng nghề sơn mài được biết đến nhiều và tiêu biểu nhất ở Bình Dương, là làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc xã Tương Bình Hiệp, Thành phố Thủ dầu một, cách trung tâm thành phố 7km về phía bắc.

Đến đây, du khách được tận mắt nhìn thấy từng công đoạn của nghề truyền thống độc đáo này. Tùy theo quy mô lớn nhỏ của từng gia đình, mỗi gia đình có thể đảm nhận một khâu hoặc tất cả các khâu để hoàn thành một sản phẩm. Với hàng trăm hộ làm sơn mài, làng Tương Bình Hiệp có thể xem như một xí nghiệp thủ công. Nhiều sản phẩm sơn mài của làng nghề Tương Bình Hiệp đã đứng chân ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, cùng với xu hướng phát triển của du lịch nhân văn, làng nghề Tương Bình Hiệp đang tham gia mạnh mẽ vào hoạt động du lịch. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc đưa sản phẩm truyền thống đến gần người tiêu dùng hơn, qua đó phát triển và bảo tồn nghề thủ công quý báu của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.

b.Làng nghề điêu khắc gỗ: nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ đã có từ lâu ở vùng Thủ Dầu Một, Lái Thiêu mà ngày nay một số tác phẩm vẫn còn được trưng bày trong các đình chùa, nhà dân. Với quy trình theo hướng chuyên môn hoá cao (mỗi công đoạn điêu khắc gỗ được một nhóm thợ thực hiện như khắc chạm, đánh bóng, mài giũa, phun sơn…) nên có thể đáp ứng ngay những nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm của ngành điêu khắc gỗ Bình Dương có mẫu mã khá đa dạng do các nghệ nhân sáng tạo hoặc bảo lưu các phong cách cổ của nhiều nền văn hoá khác nhau. Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, các sản phẩm này còn xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất điêu khắc của tỉnh phân bố tập trung ở phường Phú Thọ và Chánh Nghĩa. Ở phường Phú Thọ có hơn 200 hộ làm nghề chạm mộc. Các cơ sở có đông công nhân là: Xí nghiệp Tư doanh Hậu Tín và phân xưởng của Xí nghiệp mỹ nghệ Kim Hưng, Công ty Thanh Lễ...

c.Làng nghề gốm sứ: trên đất Bình Dương hiện nay có ba làng nghề sản xuất gốm sứ khá tập trung là: Tân Phước Khánh (Tân Uyên), Lái Thiêu (Thuận An) và Chánh Nghĩa (Thành phố Thủ dầu một) với hàng trăm cơ sở sản xuất. Ba làng nghề gốm ở Bình Dương có một nét chung là cùng xuất hiện vào khoảng giữa thế 19, chủ nhân cùng là những lưu dân người Hoa từ miền duyên hải Trung Hoa sang Việt

Nam định cư, sinh sống (hiện nay cũng có khoảng vài chục lò gốm có chủ là người Việt, nhưng đa số chủ lò gốm vẫn là người Việt gốc Hoa).

* Hiện trạng khai thác và kinh doanh du lịch

Các làng nghề tại Bình Dương có tiềm năng khai thác du lịch lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển, du lịch tỉnh trong tương lai. Trong những năm gần đây, Bình Dương đã bắt đầu chú ý đến việc phát triển du lịch làng nghề. Bởi thông qua đó, ngành du lịch tỉnh nhà sẽ có thêm nhiều sản phẩm phù hợp với đa dạng đối tượng du khách, đồng thời còn giúp cho các làng nghề có thêm nhiều cơ hội trong việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm truyền thống. Thế nhưng, bên cạnh những thuận lợi sẵn có, cũng giống như các làng nghề khác trên cả nước, du lịch làng nghề Bình Dương vẫn có nhiều khó khăn, trăn trở khiến việc khai thác chưa thực hiện được hết tiềm năng.

Trên thực tế trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động của du lịch làng nghề vẫn chưa cao, do còn nhiều bất cập chưa được tháo gỡ. Trong đó sự yếu kém nội tại của các làng nghề chính là nguyên nhân hàng đầu. Hiện tại, hầu hết các làng nghề đều có cơ sở hạ tầng khó khăn, quy mô nhỏ lẻ nên rất khó khai thác du lịch. Tại không ít điểm du lịch làng nghề, du khách phải lắc đầu ngán ngẩm về sự đơn điệu của nó. Các sản phẩm du lịch có nhiều sự trùng lắp giữa các làng nghề. Khách tham quan đi đến làng nghề nào cũng thấy những sản phẩm giống hệt nhau. Đặc biệt, điều thất vọng hơn đối với du khách là khâu thuyết minh ở nhiều làng nghề là gần như không có. Cá biệt, có không ít tour du lịch làng nghề còn thiếu ngay cả cái tối thiểu nhất là cung cấp cho du khách một bản thuyết minh tường tận về lịch sử làng nghề và đặc thù của những sản phẩm trong làng nghề ấy. Bên cạnh đó, tình trạng người dân ở các làng nghề thiếu kiến thức về du lịch và không biết ngoại ngữ cũng là một vấn đề nan giải. Người dân không có hiểu biết về tiếp thị, không được học cách tiếp khách du lịch. Kết quả là khách du lịch đến tham quan nhưng không biết phải tham quan cái gì, không hiểu gì về văn hóa cũng như tập quán sản xuất của nơi tham quan vì không có cơ hội tiếp xúc với người dân và công việc của họ. Vì lẽ đó, số khách du lịch đến với các làng nghề còn nhỏ lẻ, không đáng kể. Ước tính hàng năm, lượng du

khách đến tham quan các làng nghề tại Bình Dương chỉ dao động trên dưới vài nghìn người.

Bên cạnh đó, việc kết nối giữa du lịch với các làng nghề hiện nay vẫn còn lỏng lẻo. Trong những năm qua, cũng đã có một số công ty du lịch lữ hành tiến hành khảo sát và đưa các làng nghề trên địa bàn tỉnh vào tour du lịch (như làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm sứ Tân Phước Khánh...). Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị du lịch này, hiện các điểm đến chưa thật sự hấp dẫn. Đa phần các điểm đến vẫn chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm đặc trưng của làng nghề mà chưa tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách. Do đó nên có nơi cả tháng mới có du khách ghé thăm. Khách đến một lần rồi không bao giờ trở lại. Ngoài phí tham quan do đơn vị lữ hành chi trả, làng nghề không thu thêm được bất kỳ khoản nào từ hầu bao của khách hoặc nếu có thì cũng rất ít... điều này làm cho doanh thu từ hoạt động du lịch làng nghề không đáng kể.

Tại các cơ sở sản xuất sơn mài của làng nghề Tương Bình Hiệp, việc tham quan gặp nhiều khó khăn khi khu sản xuất sản phẩm nằm một nơi trong khi phòng trưng bày các sản phẩm hoàn chỉnh lại nằm một nẻo. Trong trường hợp nếu như có du khách nào muốn mua sản phẩm mình ưng ý thì buộc phải đi ngược trở ra đến hơn 1km.

Tại các cơ sở sản xuất gốm của làng gốm Tân Phước Khánh, Lái Thiêu... các sản phẩm có giá trị thẩm mỹ và tính nghệ thuật cao không được giới thiệu, quảng bá tường tận đến khách tham quan do thiếu đội ngũ thuyết minh và kinh nghiệm hướng dẫn du lịch. Khách đến tham quan thích xem gì thì xem, muốn mở mang hiểu biết thì hỏi người quản lý, muốn xem các công đoạn làm gốm thì lúc được lúc không tùy thuộc vào thời điểm đó có sản xuất hay không.

Sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức du lịch làng nghề ở Bình Dương đã không phát triển được tiềm năng to lớn vốn có của nó. Khách tham quan dù có tăng theo xu hướng du lịch làng nghề của xã hội nhưng doanh thu không tăng hoặc tăng không đáng kể. Trong tương lai, để du lịch làng nghề thật sự trở thành thế mạnh và đóng góp to lớn vào ngành du lịch thì cần phải có sự phối hợp, gắn kết từ nhiều phía.

Một phần của tài liệu ĐỊNH HƯỚNG bảo tồn tài NGUYÊN DU LỊCH NHÂN văn ở TỈNH BÌNH DƯƠNG PHỤC vụ DU LỊCH (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)