TÌNH HÌNH CỔ PHẦN HÓA DNNN Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA
2.3.1. Chủ trương của Đảng về cổ phần hóa DNNN
Ngay từ đầu thập kỷ 90, Đảng ta đã thấy được vai trò quan trọng của việc cổ phần hóa DNNN đối với quá trình phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Tại Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VII tháng 11 năm 1991, Đảng ta đã chủ trương: “Chuyển một số doanh nghiệp quốc doanh có điều kiện thành CTCP và thành lập một số công ty quốc doanh cổ phần mới, phải làm thí điểm, chỉ đạo chặt chẽ, rút kinh nghiệm chu đáo trước khi mở rộng phạm vi thích hợp”.
Tại Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 17 tháng 3 năm 1995, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “…tùy tính chất loại hình DNNN mà bán một số tỷ lệ cổ phần cho cán bộ, công nhân viên,… và cá nhân ngoài doanh nghiệp”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Thực hiện chủ trương cổ phần hóa những doanh nghiệp mà Nhà nước không
cần nắm giữ 100% vốn để huy động thêm vốn, tạo động lực và cơ chế quản lý năng động thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả”.
Tại Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IX (tháng 8 năm 2001), Đảng ta đã giành phần lớn thời gian để thảo luận và thông qua Nghị quyết “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN”, trong đó cổ phần hóa DNNN được chú trọng đặc biệt.
Như vậy, cổ phần hóa DNNN luôn được Đảng ta xem như một chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước. Đảng thường xuyên theo dõi sát sao tình hình và kết quả thực hiện cổ phần hóa, đồng thời phân tích những nguyên nhân tồn tại để đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Đây là một điều kiện thuận lợi để Nhà nước triển khai công tác cổ phần hóa ở nước ta.