Năng lực tài chính là một chỉ tiêu quang trọng trong công tác đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế cũng như đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả và bền vững. Để nâng cao năng lực tài chính của Tenamyd cần tập trung phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu trong giai đoạn hiện nay. Các hoạt động cụ thể cần thực hiện là:
- Xây dựng kế hoạch tài chính để đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động sản xuất và hoạt động kinh doanh đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận quản trị tài chính với bộ phận kế hoạch, sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch tài chính cụ thể, đáp ứng tốt nhất ngân sách cho từng mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, triệt để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư vào các công ty cổ phần, công ty liên doanh, liên kết. Những khoản đầu tư nào mang lại hiệu quả thì tiếp tục, những khoản nào không mang lại hiệu quả thì nên rút về, tập trung vốn cho phát triển kinh doanh của công ty. Ngoài ra, việc lựa chọn nhà cung cấp có kinh nghiệm, chi phí thấp và chất lượng cũng góp phần vào việc giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Tenamyd trên thị trường.
- Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư: để vững vàng hơn trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, Tenamyd cần một lượng vốn lớn để phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Tenamyd nên dựa vào uy tín của mình, độ tin cậy của đối tác kinh doanh để thu hút nguồn vốn đầu tư từ việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư như tín dụng thương mại, cổ phần hóa, liên doanh, liên kết…Hiện nay, do cơ cấu nợ /vốn chủ sở hữu khá cao, do đó để giảm thiểu rủi ro tín dụng, Tenamyd ưu tiên huy động nguồn vốn dưới hình thức đầu tư, liên doanh, liên kết hoặc kêu gọi góp vốn cổ phần của nhân viên chủ chốt để gia tăng vốn chủ sở hữu.
- Nâng cao hơn nữa chỉ tiêu về năng lực hoạt động bằng cách nâng cao mức sinh lời trên tổng tài sản (ROA), tăng cường doanh thu của doanh nghiệp, đặc biệt doanh thu hàng sản xuất của nhà máy mới và đầu tư có mũi nhọn vào những nhóm hàng mang lại lợi ích kinh tế cao. Đồng thời cắt giảm những chi phí không cần thiết để gia tăng lợi nhuận, đặc biệt chi phí lãi vay của Tenamyd chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí (chi phí lãi vay năm 2012 gần 30 tỷ trong khi tổng chi phí là 63 tỷ), do đó Tenamyd cần tìm nguồn huy động vốn với chi phí thấp hơn để tiết giảm khoản chi phí này.
- Thực hiện quản lý tốt hàng tồn kho, đảm bảo hàng hóa đủ năng lực cung ứng nhưng không tồn kho quá nhiều, làm nguồn vốn bị đọng lại. Đặc biệt đối với sản phẩm dược, hạn dùng của thuốc rất quan trọng, việc quản lý hàng tồn kho không chặt dễ dẫn tới hàng tồn đọng, hết hạn sử dụng phải đem xử lý và làm tổn hại đến kết quả kinh doanh của công ty. Hàng hóa phải được thực hiện nghiêm túc theo nguyên tắc nhập trước xuất trước, những hàng hóa với hạn sử dụng ngắn nên có chính sách bán hàng hợp lý để giải quyết tồn đọng hàng tồn kho hết hạn dùng.
- Tăng cường các biện pháp cứng rắn hơn để thu hồi các khoản nợ quá hạn, tận thu lãi các khoản nợ quá hạn nhằm tăng thu nhập cho Tenamyd và làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của công ty. Bên cạnh đó, bộ phận công nợ cũng kết hợp với các cơ quan ban ngành tại địa phương như sở y tế hoặc trình dược tại địa phương, phối hợp đòi nợ một cách hiệu quả nhất.
- Bộ phận kế toán công nợ kết hợp với phòng kinh doanh tổ chức thực hiện thu hồi nợ đúng hạn, lên kế hoạch thu hồi nợ từng tỉnh, từng vùng và thực hiện kiểm tra kế hoạch thực hiện. Xử lý các đơn vị vượt hạn nợ trước khi cho xuất hàng ở những đơn hàng tiếp theo, việc gia tăng bán hàng tăng doanh số phải đi đôi với việc thu hồi công nợ tốt mới thực sự đem lại hiệu quả kinh doanh cho công ty.
- Kiểm soát nợ và thu hồi nợ theo hợp đồng đã cam kết để đảm bảo nợ quá hạn cũng như nợ xấu cần xử lý không gia tăng trong kỳ kinh doanh tiếp theo. Những khoản nợ quá hạn không có khả năng thu hồi nên xử lý đưa vào chi phí, tránh lãng phí công sức theo dõi, thu hồi nhưng không mang lại kết quả.