NGÔN NGỮ BÁC HỌC TRONG TRUYỆN THƠ NÔM BÌNH DÂN 3.1 Quan niệm về ngôn ngữ bác học

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ nghệ thuật truyện thơ Nôm bình dân trung đại Việt Nam (Trang 57 - 59)

3.1. Quan niệm về ngôn ngữ bác học

“Bác học Id. Người học rộng, hiểu biết sâu về một hoặc nhiều ngành khoa học. I IIt. Theo lối của nhà bác học, có tính chất khó hiểu, không bình dân. Lối hành văn bác học” [23 - 68]

Theo nghĩa từ nguyên, từ “bác” có 3 nghĩa: rộng (bác ái); súng lớn (đại bác); bác lại, nói bẻ lại (bác bỏ). Học, tức học tập – một hoạt động tiếp thu tri thức, kinh nghiệm của người đời trước. Bác học tức là học vấn rộng, ví dụ: nhà bác học: người có học vấn rộng.

Tuy nhiên, tùy vào từng hoàn cảnh có những thay đổi đôi chút so với nghĩa từ nguyên. Chẳng hạn khi nói: “Ông ta ăn nói có vẻ bác học”,... thì “bác học” với tư cách là một danh từ đã chuyển sang một tính từ chỉ tính chất của đối tượng trong những hoàn cảnh phát ngôn cụ thể. Ở đây, chúng tôi dùng từ bác học theo hàm nghĩa thứ hai này. Ngôn ngữ bác học tức là một lớp ngôn ngữ mang tính chất bác học, đối lập với lớp ngôn ngữ có tính chất bình dân.

Trong “Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học” cũng như “Từ điển tu từ, phong cách, thi pháp học” không có mục từ “ngôn ngữ bác học” hay “ngôn ngữ bình dân”. Sự phân chia ở đây chỉ mang tính chất tương đối, phục vụ cho mục đích khảo sát ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Ra ngoài phạm vi và mục đích đó, những cánh gọi tên trên có thể không còn mang ý nghĩa khoa học.

Bây giờ, chúng tôi sẽ chỉ ra cơ sở xã hội cùng những biểu hiện đặc trưng nhất của ngôn ngữ bác học trong tác phẩm văn chương (từ đây về sau, chúng tôi gọi tắt “ngôn ngữ bác học” để tránh rườm rà).

Ngôn ngữ bác học là một khái niệm mang tính lịch sử. Nó chỉ có thể được dùng cho một giai đoạn văn học cụ thể, có những nét đặc trưng khác biệt như văn học trung đại Việt Nam. Điểm nổi bật của xã hội trung đại Việt Nam là sự thống trị của nhà nước phong kiến cùng với phương thức sản xuất đặc trưng của nó, cai trị theo Nho giáo (địa vị của Phật giáo chỉ ở những thế kỷ đầu khi đất nước mới giành được tự chủ) và nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, theo đó sự phân chia giai cấp rạch ròi; sĩ – công – nông – thương (nhưng vì công thương phát triển muộn, lại bó nhỏ nên xã hội thực chất chỉ có 2 tầng lớp: sĩ - nông). Trong xã hội, chỉ có 1 bộ phận dân chúng có điều kiện theo đòi lối học từ chương với chữ Nho và kinh điển nhà Nho, và trong đó, cũng chỉ có 1 bộ phận nhỏ đỗ đạt làm quan, gia nhập tầng lớp trên. Đó là một xã hội với sự phân chia giai cấp rạch ròi và sự độc tôn lối học khoa cử, dẫn đến có sự khác biệt rất rõ trong các sản phẩm thuộc đời sống tinh thần của những tầng lớp khác nhau, trong đó có văn chương. Các nhà Nho mũ cao áo dài từ nhỏ đã được rèn luyện trong trường ốc, thông kim bác cổ nên thường sáng tác bằng các “thể loại cao quý” như: thơ (Đường luật), phú, cùng các thể loại quan phương: cáo, chiếu, biểu, hịch,... Những người bình dân “chân lấm tay bùn” cũng sáng tác bằng phong cách của họ với các thể: lục bát (có nguồn gốc từ ca dao – dân ca), song thất lục bát. Thể loại và tâm lý sáng tạo khác nhau tất dẫn đến sự chọn lựa ngôn ngữ cũng khác nhau. Về sau, khoảng cách này dần thu hẹp lại và giao hòa tối đa trong những tác phẩm xuất sắc, nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tuy nhiên, cho đến trước khi cơ sở xã hội phong kiến với nền sản xuất đặc trưng của nó chưa bị xã phá vỡ thì ranh giới đó, về cơ bản không thể bị xóa bỏ hoàn toàn. Vậy, các nhà Nho hay chữ đã lựa chọn ngôn ngữ như thế nào?

Do được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ và thể cách Văn học Trung Quốc nên văn chương của nhà Nho thường dùng nhiều điển cố, điển tích, các thành

ngữ gốc Hán. Nhu cầu thể hiện các vấn đề tạo lý trong tác phẩm thúc đẩy họ đưa một lượng lớn những từ ngữ biểu đạt khái niệm Nho giáo, Phật giáo, các từ triêt lý và các từ có từ có tính chất quan phương thể hiện đời sống quan trường, học hành, thi cử theo nếp của một nhà Nho hành đạo. Lời văn thường hoa mĩ, cao kì vì các tác giả đặc biệt chú trọng tới việc “đúc chữ” (chữ dùng của Phan Ngọc) khi sáng tác. Do vậy, “xem nhiều mới hiểu thấu và xem

được” [6 - 209].

Lịch sử văn học là lịch sử của sự giao lưu, tiếp biến, hướng tới những thành tựu ngày càng cao hơn. Vì thế, nhu cầu bộc lộ ý thức cá tính và mong muốn làm giàu, làm đẹp cho ngôn ngữ dân tộc trong quá trình sáng tạo đã đưa các nhà Nho tìm về với ngôn ngữ đời sống của quần chúng, ngược lại, xuất phát từ sự lớn mạnh của khả năng sáng tạo, tầng lớp bình dân cũng có ý thức tìm đến và đưa vào tác phẩm của mình, những yếu tố của ngôn ngữ bác học (xem mục 3.2) nhằm thể hiện tốt nhất nội dung tư tưởng muốn gửi gắm. Song, cả 2 sự mở rộng phạm vi ngôn liệu đó đều dừng lại ở giới hạn cho phép của thể loại.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ nghệ thuật truyện thơ Nôm bình dân trung đại Việt Nam (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w