2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TÍCH TỤ ĐẤT ĐAI
2.1.6.3. Chính sách nông nghiệp
Chính sách đất đai của Việt Nam là tập hợp các quy định của Chính Phủ để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử đụng đất trên phạm vi lãnh thổ Quốc gia, với tất cả các loại đất, nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội - môi trường.
Chính sách nông nghiệp, nông thôn là tổng hợp các biện pháp của Nhà nước nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng, nội lực, phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt hạn chế tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất… đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Chính sách của Nhà nước là hành lang pháp lý, nó không bất định mà được bổ sung, sửa đổi ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của xã hội. Các chính sách đều hướng tới mục tiêu mang tính tổng quát là sử dụng đầy đủ và hợp lý ruộng đất để tạo ra ngày càng nhiều nông sản phẩm với chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mọi tầng lớp dân cư, có tác động tích cực đến các ngành kinh tế quốc dân, tạo ra nhiều nông sản cho xuất khẩu, không ngừng bảo vệ, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng của ruộng đất. Từ mục tiêu nêu trên các chính sách cần phải đạt được những mục tiêu cụ thể sau:
+ Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất
+ Khuyến khích người sử dụng ruộng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật để làm tăng giá tri sử dụng đất, thâm canh tăng vụ nâng cao hiệu quả sử dụng, khai hoang, phục
hóa, lấn biển, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, bảo vệ, cải tạo và làm tăng độ màu mỡ của đất, sử dụng tiết kiệm đất.
Ở Việt Nam, trong điều kiện gần 80% dân số tập trung tại nông thôn và sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp nên Đảng ta xác định nông nghiệp luôn là mặt trận hàng đầu và Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản có đất để sản xuất, đồng thời Nhà nước bảo hộ mọi quyền lợi và lợi ích của người sử dụng đất hợp pháp. Vì vậy vấn đề hạn điền được đặt ra nhằm góp phần phân công lao động tránh việc phân hóa ngày càng nhanh giữa người giàu và người nghèo tại nông thôn, tránh việc đầu cơ đất đai làm trắng tay những người nông dân có khả năng làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường, vấn đề hạn điền lại có quan hệ chặt chẽ với vấn đề tập trung ruộng đất. Tập trung ruộng đất là yêu cầu khách quan của nông nghiệp hàng hóa song Luật đất đai cũng như các chính sách của Đảng và Nhà nước phải khẳng định rõ việc tập trung ruộng đất phải dựa trên nguyên tắc: Hiệu quả sản xuất kinh doanh, không cho phép buôn bán đất, kinh doanh theo kiểu phát canh thu tô. Tập trung ruộng đất một mặt giải quyết cho những người trực tiếp tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có đất để sử dụng, mặt khác vẫn đảm bảo cho nông dân có đất để sản xuất.
Hạn điền là mức đất tối đa mà luật pháp cho phép cá nhân được quản lý, sử dụng. Vấn đề hạn điền được quy định tại điều 44 - Luật Đất đai quy định: “Hạn mức đất nông nghiệp trồng cây hàng năm của mỗi hộ gia đình à không quá 3ha do Chính phủ quy định cụ thể đối với từng địa phương”… Vấn đề này cũng được quy định tại điều 70 – Luật Đất đai 2003. Như vây, Chính phủ trong thẩm quyền của Luật đất đai phải có quy định cụ thể rõ ràng về quyền lợi của người có diện tích lớn vượt quá hạn mức. Việc quy định này một mặt phải đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất,
mặt khác phải có chính sách khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tận dụng đất đai để sản xuất nông nghiệp thông qua việc khai hoang, phục hóa, cải tạo đất trống đồi núi trọc, đất hoang ven biển.
Theo tinh thần của Luật đất đai hiện hành, người đang sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức vẫn được Nhà nước cho phép sử dụng nhưng phải nộp một khoản phụ theo quy định của Nhà nước. Người có diện tích đất vượt quá hạn mức không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài và được giải quyết theo hướng:
- Nếu diện tích cho khai hoang hoặc nhận quyền sử dụng của người khác thì nộp thuế phụ thu vượt hạn mức do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định. Hết hạn sử dụng đất Nhà nước sẽ thu hồi. Nếu Nhà nước chưa sử dụng đến đất đó thì có thể giao cho người có đất tiếp tục sử dụng.
- Nếu diện tích cho lấn chiếm, do đòi lại trái phép thì Nhà nước sẽ thu hồi. - Nếu ở địa phương nào binh quân diện tích quá thấp, có nhiều hộ không có hoặc thiếu ruộng thì UBND xã bàn bạc, thương lượng với những hộ có nhiều diện tích vượt hạn mức để chuyển một phần diện tích đất đó cho những hộ thiếu đất. Số diện tích này được bồi hoàn theo giá quy định.
Trong hơn 15 năm qua, khởi đầu sự đổi mới kinh tế nước ta xuất phát từ nông nghiệp. Bởi vì nông nghiệp nước ta là cơ sở, nền tảng phát triển kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định kinh tế - chính trị xã hội. Trong đó có những quyết sách lớn, có ý nghĩa là mốc son của lịch sử: Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới kinh tế nông nghiệp (1988); Nghị quyết Trung ương 5 về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn (1993); Nghị quyết 6 của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn (1998) và mới đây hàng loạt các chính sách như Nghị quyết 5 của Ban chấp hành TW Đảng (khóa IX) về: tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, về: đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 – 2010…
Trên cơ sở chính sách kinh tế nhiều thành phần và Luật Đất đai, Nhà nước đã ban hành một số chính sách đất đai có tác động không nhỏ đến sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn như:
- Luật Đất đai 1993 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2001) với nội dung cơ bản sau:
+ Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao ruộng đất cho các đơn vị và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài có thời hạn hoặc tạm thời.
+ Cho phép người giao quyền sử dụng đất đai được chuyển quyền sử dụng và bán thành quả lao động cũng như kết quả đầu tư trên đất được giao.
+ Cấm mua bán đất trái phép
Như vậy, với nội dung trên thì các quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất đã được cụ thể hóa ngày càng đáp ứng tốt hơn các quan hệ ruộng đất thời kỳ mới, tạo điều kiện cho các hộ nông dân an tâm sản xuất lâu dài trên những thửa ruộng được giao.
- Luật Đất đai 2003 (có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/07/2004) với nội dung cơ bản: Quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
+ Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ ban hành quy định về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
+ Nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ ban hành quy định về giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
+ Nghị định số 85/CP ngày 17/12/1996 của Chính phủ quy định thi hành pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
+ Thông tư số 70-TC/QLCS ngày 07/10/1997 của Bộ tài chính hướng dẫn việc nộp tiền thuê đất, góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức trong nước theo quy định tại Nghị định số 85/CP ngày 17/12/1996 của Chính phủ.
+ Nghị định 07/1998/NĐ-CP ngày 15/01/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước.
+ Thông tư số 43/1998/TC/BTChướng dẫn thực hiện miễn thuế, giảm thuế theo quy định tại Nghị định 07/1998/NĐ-CP ngày 15/01/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).
+ Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
+ Nghị quyết số 06 ngày 10/11/1998, Bộ Chính trị đã thừa nhận trang trại như một hình thức phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hoá với quy mô lớn hơn, trình độ cao hơn.
+ Thông tư số 1417/1999/TT-TCĐC ngày 18/9/1999 của Tổng cục đại chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 17/1999/NĐ-CP của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
+ Nghị định số 79/2001/NĐ-CP ngày 01/11/2001 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Nét mới của Nghị định này là mở rộng việc ủy quyền và bảo lãnh.
+ Nghị định số 68/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001, Thông tư số 1842/2001/TT-TCĐC ngày 01/11/2001, Quyết định số 42a và 42b/2001/QĐ- TCĐC ngày 01/11/2001 quy định về quy hoạch và kế hoach sử dụng đất đai.
+ Nghị định số 273/QĐ-TTg ngày 12/4/2002 về việc kiểm tra, đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai.
Từ những chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa ra trong các thời kỳ phát triển kinh tế, các luật, Nghị định, Thông tư cũng được ban hành, là những chế định về luật pháp vừa là nền tảng cho sự ổn định lâu dài và vừa có tính cấp bách giúp cho phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.