2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TÍCH TỤ ĐẤT ĐAI
2.2.1.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Nhà nước Trung Quốc đã tiến hành cuộc cải cách nông nghiệp, nông thôn năm 1978, đó là khâu đột phá của công cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Quá trình cải cách được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn I từ năm 1978 đến năm 1984, giai đoạn II từ năm 1985 đến năm 1990. Sau hơn 20 năm đổi mới đã đem lại bộ mặt mới cho nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc, có được như vậy là nhờ sự ổn định chính sách ruộng đất ở đất nước này.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kiên trì đường lối phát triển và đã đạt được thành công ban đầu về hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế nông thôn bằng Nghị quyết Hội nghị TW3 khóa XI tháng 12/1978. Nhà nước Trung Quốc đã đặt ra vấn đề thực hiện chế độ trách nhiệm khoán sản đến hộ gia đình nông dân, chế độ này bao gồm nhiều hình thức: khoán công đoạn định mức để tính thù lao, khoán ngành nghề theo sản lượng để tính thù lao, khoán sản lượng đến từng hộ , người lao động, tổ sản xuất, hộ gia đình.
Như vậy, tựu trung lại có ba hình thức khoán chủ yếu: khoán công việc, khoán sản lượng, khoán toàn bộ. Chế độ khoán sản lượng trong nông nghiệp ở Trung Quốc nhìn bề ngoài là hình thức khoán sản lượng cho mỗi hộ gia đình nông dân để tính toán thù lao cho xã viên. Vừa là hình thức khoán toàn bộ thì cũng căn cứ vào sản lượng mà tính toán mức giao nộp. Nhưng xét về thực chất lại là khoán ruộng đất với mục đích kéo dài thời hạn khoán ruộng đất để khuyến khích nông dân tăng đầu tư bồi bổ sức đất, thực hiện thâm canh. Chủ trương này nhằm kiện toàn chế độ khoán sản phẩm đến hộ,
khắc phục tình trạng nông dân bóc ngắn cắn dài, kinh doanh có tính chất cướp đoạt độ màu mỡ của đất đai. Thời hạn khoán ruộng đất từ 12 năm trở lên, đối với loại kinh doanh có chu kỳ sản xuất dài có tính chất khai hoang như vườn quả, rừng, đồi hoang… thì thời hạn khoán phải dài hơn. Ngoài ra Nhà nước Trung Quốc còn cho phép hộ nông dân có quyền chuyển nhượng ruộng khoán, cụ thể là khuyến khích từng bước tích tụ đất đai vào tay những người làm ruộng giỏi. Ở Trung Quốc mỗi hộ có khoảng 0,5ha chia làm 4 – 5 mảnh, các hộ nông dân tiến hành đổi ruộng cho nhau để có ruộng liền khoảnh. Trong qua trình thực hiện khoán ruộng đất cho các hộ nông dân phải đảm bảo, giữ vững hai nguyên tắc: Một là, tôn trọng nguyện vọng của quần chúng nhân dân, không được áp đặt. Hai là, phải đảm bảo theo nguyên tắc số lượng và giá trị ngang bằng (có nghĩa là những thửa ruộng có cùng cấp độ hoặc những thửa ruộng đã được cải tạo nâng cao màu mỡ thì khi điều chỉnh phải quy đổi theo hệ số để đền bù về mặt kinh tế).
Như vậy từ những năm 1978, Trung Quốc đã tiến hành cải cách theo thể chế kinh tế nông thôn, thực hiện hình thức kinh doanh khoán sản lượng đến hộ nông dân thực chất là khoán ruộng đất, hoàn thành công việc thiết kế lại đồng ruộng thông qua tập trung ruộng đất, bước đầu “mềm hóa” hìn thức chuyển nhượng ruộng đất giữa các hộ nông dân, thực hiện đúng đắn chính sách đất đai đạt kết quả tốt và hoàn thành cơ bản vào cuối giai đoạn đầu của cuộc cải cách.
Cơ chế khoán hộ đã góp phần đưa nền nông nghiệp Trung Quốc thoát khỏi trì trệ, sa sút kéo dài hơn 30 năm kể từ khi giành được độc lập, đã hoàn sinh cho cuộc sống của nông dân và góp phần tích lũy phát triển nông thôn cả nước và là cơ sở kinh tế - xã hội để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.