2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TÍCH TỤ ĐẤT ĐAI
2.2.1.5. Kinh nghiệm của Mỹ
Có thể nói Mỹ là một trong số ít nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng. Đó là vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên giàu có, tàn dư của lối làm ăn lạc hậu không ảnh hưởng và còn trách được sự phá hoại của chiến tranh thế giới. Với cách thức tổ chức của
nền kinh tế thị trường, lấy lợi nhuận làm mục tiêu nên mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều mang tính thực dụng. Máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, năng lượng, sức lao động, thời gian… đều được tính toán sử dụng hiệu quả một cách triệt để. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho năng xuất lao động ở Mỹ vượt trội hơn các nước khác và trở thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.
Mục tiêu của sản xuất nông nghiệp không phải là tự túc, tự cấp mà là tạo ra hàng hóa bán trên thị trường trong và ngoài nước với khối lượng lớn. Mặc dù giá trị sản lượng nông sản hàng hóa ở Mỹ chiếm một bộ phận không đáng kể trong tổng sản phẩm quốc dân (khoảng 2%) nhưng Chính phủ Mỹ vẫn rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Chính phủ Mỹ cấp đất cho hộ và đồng thời cho phép mua bán hoặc thuê đất để hình thành trang trại. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu do 2,2 triệu trang trại sản xuất ra, trong đó có trang trại gia đình (có quy mô từ 180 – 200 ha) chiếm gần 90%. Do quy mô các trang trại loại này nhỏ nên chỉ chiếm khoảng 65% diện tích canh tác, 70% giá trị sản lượng nông nghiệp và gần 30% lao động xã hội. Các nông trại liên doanh và hợp doanh chiếm hơn 10%, có quy mô bình quân khoảng 800 – 900 ha. Các trang trại đi thuê đất hoàn toàn có quy mô diện tích bình quân 229 ha. Đối tượng có đất cho thuê bao gồm nhà nước và tư nhân. Có khoảng 20% nông trại đã sử dụng máy tính hiện đại để lập chương trình phát triển sản xuất cho ngành trồng trọt và chăn nuôi. Việc tích tụ và tập trung ruộng đất để đi vào công nghiệp hóa đã tạo ra ưu thế cạnh tranh về chất lượng nông sản và giá thành ở nước Mỹ.
Qua kinh nghiệm của các nước cho chúng ta thấy, kinh tế nông thôn chỉ có thể phát triển khi mọi thành phần kinh tế trong khu vực hướng vào sản xuất hàng hóa, trong đó lực lượng sản xuất chủ yếu là nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu tài liệu về kinh tế nông nghiệp, nông thôn các nước đều cho thấy, điều kiện cơ bản đầu tiên để nông dân sản xuất nông sản
hàng hóa là được quyền sở hữu tư liệu sản xuất trong đó có ruộng đất và tổ chức sản xuất bằng hình thức tích tụ hóa ruộng đất dưới các hình thức khác nhau như chuyển nhượng, thuê, thầu…