Phương pháp chuyển đổi đất đai đã áp dụng

Một phần của tài liệu nghiên cứu các giải pháp khuyến khích tích tụ đất đai tại huyện tam nông - tỉnh phú thọ (Trang 77 - 79)

4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.2.1.2Phương pháp chuyển đổi đất đai đã áp dụng

Phương pháp bù trừ sản lượng: Phương pháp này dựa trên nguyên tắc những hộ nhận ruộng có năng suất lúa (màu) thấp hơn mức trung bình sẽ được bù sản lượng bởi những hộ có ruộng có năng suất cao hơn mức trung bình. Yêu cầu của phương pháp này là mỗi hộ có thể nhận ruộng xấu, tốt, xa, gần tuỳ ý và có tính đến cơ cấu lúa, màu hợp lý, nhưng phải hạn chế phân tán và manh mún. Mỗi hộ chỉ nhận từ 1 đến 3 thửa với tổng diện tích bằng diện tích cũ. Ví dụ: Nông hộ A, có 4 nhân khẩu, trước được chia 9 sào ruộng /6 thửa, theo định mức sản lượng thì thường thu hoạch dưới 1.700 kg/năm, nhưng nay có thể chỉ được nhận 8 sào /4 thửa, trong đó 2 sào hạng ba (sản lượng định mức 100 kg/sào/năm ) 3 sào hạng 2 (sản lượng định mức 200 kg/sào/năm ) và 3 sào hạng nhất (sản lượng định mức 300 kg / sào / năm ). Như thế, tổng sản lượng thu hoạch được của nông hộ A là : 2 x 100 + 3 x 200 + 3 x 300 = 1.700 kg thóc/năm và mỗi nhân khẩu là 1.700 kg : 4 = 425 kg / năm / người . Quy hoạch như vậy, chẳng những tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ canh tác, bớt được bờ thửa là thêm diện tích, mà còn làm cho người nông dân quen dần với định mức sản lượng - mục tiêu phấn đấu thiết thức của họ. Mặt khác, khi đã quy hoạch hợp lý, đảm bảo sản lượng cho nông dân rồi, xã có quỹ đất để mở các con đường lưu thông trên cánh đồng, phục vụ vận chuyển, canh tác, thu hoạch.

Phương pháp bù trừ diện tích: Phương pháp này còn gọi là phương pháp “Hệ số qui đổi” theo nguyên tắc những hộ nhận ruộng tốt, ruộng gần hoặc có điều kiện canh tác thuận lợi hơn thì diện tích thực tế sẽ giảm đi so với trước. Yêu cầu của phương pháp này là xác định hệ số qui đổi cho toàn bộ diện tích cần

chuyển đổi theo khu đồng. Mỗi hộ chỉ được nhận từ 1 – 3 thửa ruộng theo khu đồng để chống manh mún. Nhưng khi thực hiện phương pháp này phải có sự nhất trí cao của hộ nông dân, tránh áp đặt gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân.

Phương pháp chia lại ruộng: Việc chia lại ruộng phải đảm bảo diện tích đất của mỗi hộ bằng diện tích chia theo Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ. Phương pháp chia lại ruộng phải đảm bảo nguyên tắc:

+ Hộ nông dân được bàn bạc dân chủ, công khai và tự nguyện tham gia chuyển đổi ruộng đất, không gò ép, bắt buộc.

+ Giữ nguyên hạng đất tính thuế, lựa chọn thời điểm chuyển đổi sao cho không ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất.

+ Quá trình chuyển đổi ruộng đất phải gắn với qui hoạch sử dụng đất đai đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo yêu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng tốt quỹ đất công điền và các diện tích đất chưa sử dụng khác.

+ Trong chuyển đổi cần khuyến khích đầu tư thâm canh và quan tâm thoả đáng các đối tượng chính sách xã hội.

+ Sau chuyển đổi phải thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo số ô, thửa và diện tích mới.

Sau khi đưa ra các phương pháp chuyển đổi ruộng đất như trên, ban lãnh đạo xã đưa về từng thôn xóm cho nhân dân tiến hành thảo luận để lựa chọn phương pháp thích hợp nhất. Đây là công việc tốn rất nhiều thời gian và công sức, vì khi đưa ra tập thể để thảo luận thì có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau, có lúc tưởng như sẽ không thể thống nhất được phương án cuối cùng, nhưng do có sự kiên trì của các cán bộ địa phương cuối cùng phương pháp

được lựa chọn là Phương pháp bù trừ sản lượng, vì theo như ý kiến của các hộ nông dân thì phương pháp này là công bằng nhất.

Một phần của tài liệu nghiên cứu các giải pháp khuyến khích tích tụ đất đai tại huyện tam nông - tỉnh phú thọ (Trang 77 - 79)