Kinh nghiệm của Đài Loan

Một phần của tài liệu nghiên cứu các giải pháp khuyến khích tích tụ đất đai tại huyện tam nông - tỉnh phú thọ (Trang 35 - 36)

2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TÍCH TỤ ĐẤT ĐAI

2.2.1.3.Kinh nghiệm của Đài Loan

Đài Loan là vùng lãnh thổ đất chật, người đông, bình quân ruộng đất đầu người thấp (chỉ khoảng 470m2). Địa hình đồi núi chiếm 2/3 diện tích đất tự nhiên cụng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Sau chiến tranh thế giới thứ II Đài Loan cũng bị tàn phá nặng nề, nông nghiệp sa sút nghiêm trọng, tình trạng đói kém xảy ra ở mọi nơi, lương thực tiêu dùng trong nước chủ yếu là nhập khẩu. Tình trạng trên kéo dài hơn 5 năm kể từ năm 1946. Bước sang thập niên 50 Chính phủ đã có chủ trương cải tạo nông nghiệp trên cơ sở những tiềm lực vốn có của mình là lao động và đất đai bằng ba chính sách lớn là cải cách ruộng đất, cải tiến kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và kiến thiết xã hội nông thôn.

Chính sách cải cách ruộng đất của Đài Loan được chia làm ba bước: - Bước 1: Giảm địa tô để giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho người nông dân.

- Bước 2: Nhà nước quy định mức ruộng đất cá nhân có quyền chiếm hữu. - Bước 3: Số ruộng đất trên hạn mức, được pháp luật quy định giá hợp lý ưu tiên cho nông dân mua nhằm làm cho người cày có ruộng.

Các yếu tố lao động và đất đai được giải phóng nên ngay từ năm 1952 sản xuất nông nghiệp đã đạt được đỉnh cao của những năm trước chiến tranh. Toàn lãnh thổ lúc này đã có 679.750 trang trại với 876.100ha canh tác, chiếm 97,34% diện tích canh tác cả nước. Các trang trại tập trung sản xuất hàng hóa nông sản đáp ứng yêu cầu của nhân dân và xuất khẩu tạo tích lũy phát triển công nghiệp. Do Chính phủ Đài Loan có chủ trương phát triển nông nghiệp nuôi công nghiệp nên các trang trại thuần nông được hưởng ưu đãi, người nông dân được đề cao bằng vị trí kinh tế và đời sống trong sự nghiệp phát triển công nghiệp đất nước. Do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh nên các

ngành sản xuất trong nền kinh tế Đài Loan có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp khá rõ nét. Chính sự thay đổi đó đã làm cho dòng lao động dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị ngày một lớn lên và kéo theo giá cả sức lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn cao hơn trước. Sự kiện này làm cho nông nghiệp Đài Loan lâm vào trì trệ do khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa nông nghiệp nước này giảm sút bởi giá thành cao.

Đền bù lại đó Chính phủ chủ trương một chính sách mới về nông nghiệp nhằm thực hiện Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nông thôn. Năm 1973 Chính phủ thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, năm 1974 lập quỹ “trợ giá lương thực” và tạo mọi điều kiện để nông dân sản xuất, cải thiện đời sống. Do có sự hỗ trợ của Nhà nước nên ngành nông nghiệp Đài Loan phục hồi, phát triển, nông sản hàng hóa lấy lại được sức cạnh tranh ở thị trường trong nước, chấm dứt chính sách áp đặt giá bất lợi cho nông dân đã tồn tại bấy lâu. Tháng 11 năm 1982 Chính phủ tiến hành cải cách nông thôn giai đoạn 2 nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngay tại địa bàn nông thôn theo hướng tăng khả năng sản xuất chuyên môn hóa các trang trại nông nghiệp, cho phép tích tụ, tập trung hay mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp. Hàng loạt các phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được hình thành sau năm 1982 như: liên kết liên doanh, ủy thác kinh doanh, thuê mướn, thay mặt kinh doanh,…đã tạo điều kiện cho nông nghiệp chuyển dịch sang làm ngành nghề khác cũng ở địa bàn nông thôn.

Kết quả chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở Đài Loan hơn 50 năm qua là rất đáng ghi nhận. Kinh nghiệm của Đài Loan là bài học cho các nước đang phát triển trong khu vực học tập.

Một phần của tài liệu nghiên cứu các giải pháp khuyến khích tích tụ đất đai tại huyện tam nông - tỉnh phú thọ (Trang 35 - 36)