Nội dung phân cấp quản lý NSNN

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác quản lý ngân sách tại quận hoàng mai, thành phố hà nội (Trang 25 - 27)

Khi nói tới phân cấp quản lý ngân sách nhà nước người ta thường hiểu theo nghĩa trực diện, dễ cảm nhận đó là việc phân giao nhiệm vụ thu, chi giữa các cấp chính quyền. Thực chất nội dung phân cấp rộng hơn nhiều.

Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước là việc xử lý các mối quan hệ giữa các cấp chính quyền nhà nước từ trung ương đến các địa phương trong hoạt động của ngân sách nhà nước, từ đó cho phép hình thành một cơ chế phân chia ranh giới quyền lực về quản lý ngân sách nhà nước giữa các cấp chính quyền. Vì vậy nội dung phân cấp quản lý ngân sách nhà nước rất rộng, nó liên quan đến rất nhiều vấn đề. Về cơ bản, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước bao gồm những nội dung sau:

- Một là: Phân cấp về chế độ chính sách:

Nội dung phân cấp quản lý ngân sách nhà nước thể hiện ở những cơ sở pháp lý nhằm quy định thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, các bộ phận từ trung ương đến địa phương. Cơ sở pháp lý này có thể được xây dựng dựa trên hiến pháp hoặc các đạo luật tổ chức hành chính, từ đó định ra hành lang pháp lý cho việc chuyển giao các thẩm quyền gắn với các trách nhiệm tương ứng với quyền lực đã được phân cấp. Qua phân cấp quản lý ngân sách nhà nước cần phải xác định rõ những vấn đề sau: Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách, định mức, tiêu chuẩn thu, chi và đó là những loại chế độ nào?

Về nguyên tắc những chế độ do trung ương quy định thì các cấp chính quyền địa phương tuyệt đối không được tự điều chỉnh hoặc vi phạm. Ngược lại trung ương cũng phải tôn trọng thẩm quyền của địa phương tránh can thiệp làm mất đi tính tự chủ của họ.

- Hai là: Phân cấp về nguồn thu và nhiệm vụ chi:

Phân cấp quản lý NSNN cần quy định chi tiết quản lý các nguồn thu, các khoản chi cho từng cấp ngân sách. Ví dụ: quy định rõ ràng nguồn thu nào ngân sách các cấp được thu 100% và nguồn thu điều tiết giữa các cấp ngân sách trên; tỉ lệ điều tiết….Quy định nội dung từng khoản chi, phạm vi chi tiêu ngân sách của từng cấp ngân sách.

- Ba là: Phân cấp về quản lý chu trình ngân sách:

Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước thể hiện mối quan hệ giữa các cấp chính quyền nhà nước trong một chu trình ngân sách nhà nước gồm tất cả các khâu: lập ngân sách, duyệt, thông qua tới chấp hành, quyết toán, thanh tra, kiểm tra ngân sách.

Trong mối quan hệ này, mức độ tham gia, điều hành và kiểm soát của các cơ quan quyền lực, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn đối với các cấp ngân sách đến đâu chính là thể hiện tính chất phân cấp trong toàn bộ hệ thống.

Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước có nội dung rất phong phú và phức tạp. Tổng hợp những nội dung, hình thức phân cấp với những điều kiện tiến hành phân cấp tạo thành cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước thể hiện một cách căn bản tính chất của việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa các cấp chính quyền nhà nước. Mặc dù có những nguyên tắc nhất định cho việc tiến hành phân cấp quản lý nhà nước song ở mỗi quốc gia và trong mỗi thời kỳ phát triển của nền kinh tế, những nội dung phân cấp đều có sự thay đổi cho phù hợp bởi vì cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước luôn chịu ảnh hưởng bởi sự tác động của rất nhiều nhân tố.

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác quản lý ngân sách tại quận hoàng mai, thành phố hà nội (Trang 25 - 27)