Đặc điểm của quản lý ngân sách cấp quận, huyện

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác quản lý ngân sách tại quận hoàng mai, thành phố hà nội (Trang 27 - 30)

Ngân sách quận, huyện là toàn bộ các khoản thu - chi được quy định đưa vào dự toán trong một năm do HĐND quận, huyện quyết định và giao cho UBND Quận, huyện tổ chức chấp hành, nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp quận, huyện. Quan niệm trên có thể giúp chúng ta hình dung được ngân sách quận, huyện, cơ quan quyết định và cơ quan chấp hành ngân sách quận, huyện. Tuy nhiên quan điểm trên chưa phản ánh được các mối quan hệ tiền tệ mà thực chất là quan hệ lợi ích kinh tế chứa đựng trong ngân sách quận, huyện. Bản chất ngân sách quận, huyện vừa là một kế hoạch tài chính, vừa là quỹ tiền tệ tập trung của quận, huyện được hình thành bằng các nguồn thu và các khoản chi của quận, huyện đồng thời nó cũng phản ánh những mối quan hệ một bên là chính quyền cấp quận, huyện với một bên là các chủ thể khác, thông qua sự vận động của các nguồn tài chính, nhằm đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền quận, huyện.

Thực tiễn chỉ ra rằng, khi các khoản thu và chi của Ngân sách quận, huyện diễn ra tất yếu sẽ nảy sinh sự vận động của nguồn tài chính từ chủ thể người nộp đến ngân sách quận, huyện, và từ Ngân sách quận, huyện đến những mục đích sử

dụng nhất định nào đó. Toàn bộ quá trình thu tác động đến lợi ích, nghĩa vụ của người nộp và toàn bộ các khoản chi sẽ mang lại lợi ích cho dân cư, hộ gia đình. Sự vận động của các nguồn tài chính vào ngân sách quận, huyện và từ ngân sách quận, huyện đến các mục đích sử dụng khác nhau chứa đựng các mối quan hệ mang tính đặc thù sau:

- Quan hệ giữa chính quyền cấp quận, huyện với các cấp chính quyền cấp trên thể hiện trong việc xác định cho các quận, huyện nguồn thu được phân chia giữa các cấp ngân sách và thể hiện trong sự hỗ trợ, bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách quận, huyện.

- Quan hệ giữa chính quyền cấp quận, huyện với các tổ chức kinh tế trong quận, huyện được thể hiện trong việc các tổ chức này nộp thuế, phí, lệ phí cho ngân sách quận, huyện và ngược lại ngân sách quận, huyện cũng phải chi trực tiếp, gián tiếp cho các tổ chức này.

- Quan hệ giữa chính quyền Nhà nước cấp trên với nhân dân trong quận, huyện được thể hiện khi ngân sách cấp trên cấp kinh phí uỷ quyền, chuyển giao cho ngân sách quận, huyện thực hiện. Đó là các chương trình quốc gia như chương trình về dân số và kế hoạch hóa gia đình, chương trình xóa mù, phổ cập giáo dục, chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, chương trình quốc gia giải quyết việc làm.

- Quan hệ giữa cấp chính quyền quận, huyện với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đó là mối quan hệ thông qua việc tặng quà, giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân đối đối với quận, huyện và là một khoản thu của ngân sách quận, huyện.

Như vậy có thể nói quận, huyện là một cấp chính quyền có ngân sách, ngân sách quận, huyện là một bộ phận hợp thành ngân sách địa phương thuộc hệ thống NSNN, ngân sách quận, huyện là một cấp ngân sách thực hiện vai trò chức năng, nhiệm vụ của NSNN trên phạm vi địa bàn quận, huyện.

Tìm hiểu quá trình hình thành ngân sách quận, huyện ta có thể thấy ngân sách quận, huyện từ một cấp dự toán đã trở thành một cấp ngân sách có nguồn thu và nhiệm vụ chi riêng. Đó là một hướng đi đúng đắn trong quá trình phát triển nền tài

chính của bất kỳ quốc gia nào. Trước tiên nó giúp ngân sách cấp Trung ương, Thành phố giảm được khối lượng công việc, bên cạnh đó nó cũng giúp các cấp chính quyền có thể nắm bắt được tình hình kinh tế nói chung và tài chính nói riêng từ cơ sở. Ngân sách quận, huyện mang bản chất của NSNN, đó là mối quan hệ giữa ngân sách quận, huyện với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận, huyện trong quá trình phân bổ sử dụng các nguồn lực kinh tế của quận, huyện.

Có thể nói việc ngân sách quận, huyện trở thành một cấp ngân sách đã làm cho bộ mặt NSNN mang một diện mạo, sắc thái mới, nền tài chính quốc gia trở nên lành mạnh hơn, ngân sách quận, huyện thể hiện bản chất chính trị của Nhà nước thông qua việc thực hiện các chủ trương chính sách, các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của nhà nước.

Quản lý ngân sách cấp quận, huyện có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, quận, huyện là một cấp hành chính rất quan trọng trong hệ thống hành chính của nhà nước với những chức năng nhiệm vụ được quy định bởi các bộ luật.

Thứ hai, ngân sách cấp quận, huyện là một cấp ngân sách hoàn chỉnh với nguồn thu và nhiệm vụ chi được quy định cụ thể để đảm bảo hoàn thành chức năng nhiệm vụ của cấp quận, huyện. Tuy nhiên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách thì Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa Trung ương và địa phương, còn HĐND Thành phố, quận trực thuộc Trung ương thì quyết định tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách Thành phố, quận, ngân sách quận, huyện, thị xã và ngân sách xã. Do đó có thể thấy rằng quy mô ngân sách, khả năng tự cân đối của ngân sách cấp quận, huyện phụ thuộc vào việc phân cấp nguồn thu, phân cấp nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách tại địa phương cũng như tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa ngân sách quận, huyện và ngân sách Thành phố, quận trực thuộc Trung ương.

Thứ ba, do không phải là cấp có thể hình thành các chính sách, chế độ về thu, chi ngân sách nên nội dung thu, chi của ngân sách quận, huyện do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định, do đó trong thực tiễn hay phát sinh mâu thuẫn giữa yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương cũng như những

nhiệm vụ chi được giao thêm với cân đối ngân sách đã được ổn định, điều này đặt ra yêu cầu là các cơ quan hoạch định chính sách, xây dựng chính sách chế độ thu, chi ngân sách, tham mưu việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ điều tiết cho ngân sách cấp quận, huyện phải xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ để tham mưu cơ quan có thẩm quyền của Thành phố, Quận trực thuộc Trung ương quyết định, tránh yếu tố cảm tính, thiếu cơ sở khoa học. Đồng thời phân cấp phải trên quan điểm tăng quyền chủ động của ngân sách quận, huyện cũng như xã phường để tạo điều kiện cho quận, huyện và xã phường hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Thứ tư, cũng vì những đặc điểm trên có thể thấy quy mô ngân sách quận, huyện thường không ổn định qua các giai đoạn. Nguồn thu của ngân sách quận, huyện chủ yếu là các khoản thu về thuế, phí, lệ phí, các khoản thu từ đất và thu khác, trong đó thu từ thuế và phí, lệ phí là nguồn thu quan trọng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách các quận, huyện. Tuy nhiên trong thực tế cũng thấy rằng khoản thu thuế được giao chủ yếu là các sắc thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực ngoài quốc doanh, đây là khoản thu rất khó thực hiện, quy mô số thu không lớn nhưng chi phí phải bỏ ra cho công tác thu không nhỏ và đây cũng là địa chỉ của những sai phạm trong việc chấp hành luật thuế như gian lận thương mại, trốn thuế, mua bán hóa đơn….Còn đối với chi ngân sách thường xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa nhiệm vụ chi được giao và nguồn để trang trải nhiệm vụ chi, đôi khi tạo ra cảm giác không bình đẳng, có sự ấn định chưa hợp lý từ cấp Thành phố, Quận trực thuộc Trung ương.

Một phần của tài liệu hoàn thiện công tác quản lý ngân sách tại quận hoàng mai, thành phố hà nội (Trang 27 - 30)