Quan điểm để thiết kế và tổ chức các dự án

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC CHO HỌC SINH THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA INTERNET TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÝ LỚP 6 THCS. LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 50 - 52)

III. Quy trình tổ chức cho HS thực hiện các dự án về BĐKH với sự hỗ trợ của Internet trong dạy học Địa lí lớp 6 – THCS

1.Quan điểm để thiết kế và tổ chức các dự án

Các dự án được thiết kế trong đề tài dựa trên 3 quan điểm cơ bản sau:

Quan điểm GDPTBV là quan điểm bao trùm toàn bộ quá trình thiết kế và tổ chức dự án. Theo đó, các dự án phải được thiết kế theo mô hình Bottom –up,

mọi nhu cầu, ý tưởng, kế hoạch, sản phẩm đều xuất phát từ phía HS, GV chỉ là người giúp các em hiện thực hóa những nội dung đó thành kế hoạch thực thi. Chính vì vậy mà khâu tạo động cơ, hứng thú cho HS trước khi thực hiện dự án có nghĩa ý rất quan trọng.

Theo tiếp cận trải nghiệm của GDPTBV, các dự án cần tạo cơ hội để HS tham gia trải nghiệm trong những hoạt động học tập đa dạng, thực tiễn. Kiến thức, kinh nghiệm của người học được sử dụng tối đa trong việc giúp các em giải quyết các nhiệm vụ của dự án.

Quan điểm lấy HS làm trung tâm là quan điểm chi phối quá trình thiết kế và tổ chức các dự án. Dự án thiết kế phải phù hợp với nhu cầu, trình độ và năng lực của HS. Mỗi HS cần có điều kiện để phát huy tối đa những khả năng sẵn có, đồng thời khắc phục, điều chỉnh những hạn chế. Nhiệm vụ và mục tiêu của dự án cần được phân hóa để phù hợp với đối tượng HS.

HS là chủ thể của các dự án, các em phải được tham gia vào tất cả các khâu từ hình thành ý tưởng, xây dựng kế hoạch thực hiện, đánh giá kết quả; tham gia vào việc ra quyết định và thực hiện quyết định.

Quan điểm công nghệ dạy học định hướng quá trình thiết kế và tổ chức các dự án. Trước khi tổ chức dự án GV cần phải có sự đánh giá tổng thể các yếu tố đầu vào bao gồm: Nội dung chương trình, cơ sở vật chất, trình độ HS, khả năng bản thân, thời gian. Kết quả này làm cơ sở cho việc xác định mục tiêu tức là đầu ra của dự án (Sản phẩm, mức độ ứng dụng CNTT, sự phát triển các kĩ năng, năng lực của HS…). Cuối cùng GV xây dựng tiến trình gồm những bước cụ thể để tổ chức, điều khiển HS thực hiện dự án đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

Các mục tiêu của dự án không những phù hợp với điều kiện thực tế mà còn phải được định lượng hóa để làm căn cứ khi đánh giá dự án. Mục tiêu được diễn đạt chi tiết, rõ ràng, phân cấp để đảm bảo HS có thể nắm bắt và làm đúng như yêu cầu. Các chỉ tiêu định tính cũng rất quan trọng, cần có phương pháp để khảo sát sau khi kết thúc dự án.

Quy trình thực hiện dự án phải được chi tiết hóa và hết sức cụ thể, mỗi bước, mỗi công đoạn đều có những hướng dẫn để người học có thể độc lập giải quyết nhiệm vụ.

Trong quá trình này GV cũng phải thiết kế các bộ công cụ để HS tiến hành dự án, công cụ quản lí HS, công cụ đánh giá…Các không gian học tập cũng phải được hình dung và tạo ra với mục đích tối ưu hóa hiệu quả các dự án.

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC CHO HỌC SINH THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA INTERNET TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÝ LỚP 6 THCS. LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 50 - 52)