Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát tài chính

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 85 - 88)

- Về huy động và tạo nguồn kinh phí

3.2.4. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát tài chính

- Tăng cường kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước qua hệ thống Kho bạc nhà nước.

Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và của các cấp, ngành với mục tiêu là các khoản chi của NSNN phải đảm bảo đúng mục đích, có dự toán được duyệt, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và hiệu quả.

Kiểm soát chi NSNN theo Luật ngân sách thuộc trách nhiệm của mọi cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí từ NSNN, trong đó Kho bạc Nhà nước là cơ quan kiểm soát cuối cùng trước khi xuất quỹ. Đó chính là hình thức kiểm soát phòng ngừa, nhằm đảm bảo cho các khoản chi theo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, ngăn ngừa sai sót, nhầm lẫn.

Theo tinh thần của Luật Ngân sách, những năm qua Kho bạc nhà nước đã từng bước thực hiện kiểm soát chi một cách chặt chẽ, bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức, thực hiện chi trả trực tiếp qua kho bạc. Thông qua kiểm soát chi qua Kho bạc nhà nước, các đơn vị bước đầu đã chấp hành tốt kỷ luật sử dụng ngân sách, tăng cường vai trò quản lý của các cấp chính quyền, cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước trong điều hành ngân sách. Tuy nhiên, do hệ thống tiêu chuẩn, định mức chi NSNN còn chưa đầy đủ, chưa sát thực tế, chất lượng dự toán của đơn vị còn thấp đã là ảnh hưởng không nhỏ tới công tác kiểm soát thu chi qua Kho bạc Nhà nước.

Trong thời gian tới, để củng cố và nâng cao vai trò của Kho bạc nhà nước theo Luật Ngân sách, cần phải làm tốt một số việc sau đây:

+ Cần phải quán triệt quan điểm kiểm soát chi là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan đến quản lý NSNN.

+ Hàng năm đơn vị sử dụng ngân sách làm thủ tục quyết toán thu chi với cơ quan chủ quản cấp trên. Kết quả duyệt quyết toán được cơ quan chủ quản gửi cho các đơn vị hữu quan theo quy định. Trên cơ sở của báo cáo này, cơ quan tài chính lập thủ tục ghi thu, ghi chi vào NSNN theo quy định. Làm như vậy tạo sự nhất quán về duyệt thanh toán chứng từ và quyết toán mục chi theo dự toán đã được duyệt, giải quyết được tình trạng số liệu báo cáo quyết toán giữa cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản và Kho bạc không khớp.

+ Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý kho bạc và ngân sách, đó là một hệ thống kế toán chung, thống nhất và được tích hợp bởi hệ thống kế toán Kho bạc, kế toán ngân sách và hệ thống kế toán của các trường THPT công lập trong hệ thống tài khoản kế toán thống nhất gắn kết quy trình lập ngân sách theo kết quả đầu ra. Đi liền với nó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ thành thạo các kỹ năng, thao tác sử dụng hệ cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ cho công tác chấp hành ngân sách và ghi sổ.

- Hoàn thiện công tác kiểm tra kế toán và kiểm toán nội bộ

Nguyên tắc tự kiểm tra, kiểm soát của hệ thống thông tin kế toán cũng như việc tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ các đơn vị có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết. Nó đảm bảo thông tin kế toán được cung cấp kịp thời, chính xác, đúng với chính sách, chế độ quản lý kinh tế - tài chính nói chung và chế độ thể lệ kế toán quy định nói riêng phù hợp với yêu cầu quản lý vĩ mô, vi mô nền kinh tế.

Trước thực trạng của các trường hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp cơ bản hoàn thiện hệ thống kiểm tra kế toán và kiểm toán nội bộ:

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra tài chính nội bộ. Trong kế hoạch phải xây dựng hình thức kiểm tra, xác định rõ người chịu trách nhiệm khi kiểm tra ở từng khâu công việc, đối tượng nội dung, thời gian kiểm tra. Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra phải được thực hiện ngay từ đầu năm.

- Xác định đối tượng của công tác kiểm tra và địa điểm tiến hành kiểm tra. Đối tượng chính của kiểm tra nội bộ là báo cáo kế toán, sổ sách kế toán, chứng từ kế toán, tài sản và tình hình sử dụng tài sản. Căn cứ quá trình kiểm tra để đánh giá đúng tình hình quản lý nguồn NSNN cấp và nguồn ngoài NSNN.

Trong công tác kiểm tra kế toán thường sử dụng phương pháp đối chiếu, so sánh là chủ yếu. Cần tiến hành đối chiếu giữa các chứng từ kế toán, sổ kế toán, các báo cáo kế toán với nhau, đối chiếu số liệu kế toán với thực tế hoạt động, đối chiếu số liệu trên cơ sở căn cứ vào chế độ tài chính kế toán hiện hành.

- Hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ

Thực tế, triển khai thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, các trường đang gặp khó khăn trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Có đơn vị xây dựng quy chế chưa đầy đủ, sơ sài, hoặc xây dựng nên nhưng chỉ mang tính đối phó với cơ quan quản lý, việc thực hiện chi trong năm lại không thực hiện theo quy chế đề ra đầu năm. Một phần do trình độ tham mưu còn kém không lường hết những phát sinh trong năm, hoặc xây dựng một cách chung chung, không cụ thể mức chi, nên công tác quản lý, kiểm soát, giám sát trong nội bộ đơn vị còn nhiều vấn đề bất cập.

Sở Tài chính, Sở giáo dục - đào tạo cần phối hợp chỉ đạo, cụ thể hóa các tài liệu hướng dẫn, mở lớp tập huấn và cử cán bộ giám sát quá trình triển khai tại các đơn vị theo đúng tinh thần Nghị định 43. Cơ quan tài chính và cơ quan chủ quản cần kiểm tra thường xuyên hơn quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ ở các đơn vị, qua đó giúp đơn vị hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ.

- Đổi mới cơ chế quản lý tài chính gắn liền với tăng cường trách nhiệm trong các trường công lập.

Hiện nay, hệ thống kiểm soát tài chính ở nước ta vẫn thực hiện theo mô hình truyền thống, kiểm soát chi tiêu chủ yếu tập trung ở các yếu tố đầu vào như chi lương, mua sắm thiết bị, điện, nước… Các thông tin về kết quả hoạt động hầu như vắng bóng. Theo tinh thần của công cuộc cải cách tài chính công thì việc trao quyền tự chủ cho các thủ trưởng và tập thể người lao động tại các đơn vị quyết định những đầu vào cần thiết để sản xuất đầu ra là rất lớn. Nhưng khác với nguồn tiền tư nhân bỏ ra, nguồn tiền công nếu được phép sử dụng linh hoạt mà thiếu đi trách nhiệm giải trình thì chắc chắn sẽ là mảnh đất tốt để tham nhũng phát sinh. Vì vậy, sự tự chủ này cần phải đi kèm với sự gia tăng trách nhiệm đối với việc cung ứng các đầu ra và kết quả cuối cùng.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w