Trong thời gian qua, hoạt động quan hệ đối ngoại nói chung và hoạt động cho vay XNK nói riêng của Sacombank có nhiều thành công. Sacombank hiện cung cấp các dịch vụ thanh toán quốc tế có uy tín và đạt chất lượng tốt tại thị trường Việt Nam, đang triển khai các sản phẩm dịch vụ theo hướng an toàn, tiện dụng mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng.
Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì hệ thống Sacombank cần phải được tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể:
- Để tạo điều kiện cho các chi nhánh có thể mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay XNK, Sacombank cần xây dựng và ban hành các quy định nhằm đa dạng hoá các hình thức tài trợ cho vay XNK, đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh so với với các ngân hàng trong nước và nâng tầm thương hiệu đối với các đối tác quốc tế.
- Rà soát, tiếp tục sửa đổi các sản phẩm hiện có của ngân hàng và xây dựng các sản phẩm mới để phù hợp với nhu cầu của các DN XNK. Qua đó góp phần tăng trưởng dư nợ cho vay DN XNK, doanh số TTQT của ngân hàng nói chung và chi nhánh Đông Đô nói riêng.
- Cần quan tâm đến công tác tuyển chọn cũng như đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động cho vay XNK bởi đây là nghiệp vụ khá phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm rất đa dạng.
- Tiếp tục hoàn thiện và triển khai một cách có quyết liệt thang đo chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI – Key Performance Indicator) của đội ngũ nhân viên kinh doanh. Đây là một công cụ hữu hiệu để giám sát và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả bán hàng.
- Đa dạng hóa các loại tài sản đảm bảo, định giá tài sản phù hợp và áp dụng chính sách giá và chính sách đảm bảo tiền vay đối với từng khách hàng. Hội sở Sacombank cần cởi mở hơn trong việc đa dạng hóa các loại tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản đảm bảo là khoản phải thu hoặc tín chấp. Bên cạnh đó, phối hợp với công ty định giá tài sản để linh động hơn trong công tác định giá. Như vậy mới góp phần thúc đẩy hoạt động cho vay nói chung và cho vay DN XNK nói riêng.
- Để nhanh chóng hội nhập với hệ thông ngân hàng trên thế giới, cần đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá ngân hàng, đầu tư thêm các trang thiết
bị, phần mềm mới, hiện đại, có tính bảo mật cao nhằm tăng thêm tiện ích cho khách hàng đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng.
- Trong những năm vừa qua mới là những năm khởi đầu mà quốc tế biết đến hình ảnh Sacombank là một ngân hàng TMCP hàng đầu ở Việt nam. Để nâng cao uy tín, vị thế của Sacombank trong nước cũng như trên quốc tế, mà cụ thể trong giai đoạn hiện nay các NHTM có tốc độ phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng thì Sacombank cần đặc biệt quan tâm tới chiến lược quảng bá xây dựng thương hiệu mình trong nước và trên quốc tế. Trên nền tảng đó tạo nên sức mạnh của toàn hệ thống, tạo cơ sở cho sự phát triển hội nhập của các chi nhánh Sacombank nói chung và chi nhánh Đông Đô nói riêng.
KẾT LUẬN
Đất nước đang chuyển mình với những bước đi đúng hướng, gặt hái được những thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Toàn cầu hóa đang là xu thế chung của toàn xã hội, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn hội nhập với nền kinh tế thế giới, do đó hoạt động xuất nhập khẩu cũng trở nên sôi động hơn.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – chi nhánh Đông Đô sau hơn 07 năm xây dựng và trưởng thành trải qua những giai đoạn thăng, trầm đã đạt được một số thành tựu nhất định. Nhận thức được tiềm năng to lớn từ hoạt động cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chi nhánh đã có định hướng phát triển hệ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ có hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Cho đến nay, chi nhánh đã có những bước đi đúng đắn nhắm phát triển và nâng cao hiệu quả cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, triển khai không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở vận dụng các phương pháp nghiên cứu, bám sát mục tiêu, phạm vi nghiên cứu, luận văn đã phân tích cơ sở lý luận về cho vay DN XNK và hiệu quả cho vay DN XNK của Ngân hàng thương mại (các chỉ tiêu đánh giá, các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động cho vay DN XNK của Ngân hàng thương mại). Phân tích thực trạng hiệu quả cho vay DN XNK tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – chi nhánh Đông Đô qua đó đánh giá những kết quả đạt được và những mặt hạn chế cần khắc phục cũng như nguyên nhân của những hạn chế này. Từ đó, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay DN XNK tại chi nhánh Đông Đô với hy vọng đây sẽ là một đóng góp tích cực để hoàn thiện và phát
triển hoạt động cho vay DN XNK nói riêng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của đơn vị cá nhân tác giả đang công tác.
Do thời gian và khả năng nghiên cứu của bản thân còn hạn chế, luận văn không tránh khỏi những sai sót và khiếm khuyết nhất định, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này.